CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Nghi thức hộ niệm cầu an

Nghi thức hộ niệm cầu an
Tác giả: 
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản: 
Nhà xuất bản Hồng Đức
Năm xuất bản: 
2019
ISBN: 
978-604-89-7864-8
Danh mục: 
Nghi thức do Thích Nhật Từ dịch

LỜI NÓI ĐẦU

Mùa hè năm 1998, khi bắt đầu làm Luận án Tiến sĩ Triết học tại Đại học Allahabad, Ấn Độ, tôi về thăm chùa Giác Ngộ. Trong thời gian 3 tháng nhập Hạ tại chùa Giác Ngộ, tôi đã biên soạn và ấn tống 3.000 quyển Nghi thức Cầu an và Cầu siêu. Trong vòng 1 tuần, toàn bộ Nghi thức này đã được các Phật tử tiếp nhận hết.

Sau lần ấn bản duy nhất đó và trải qua 20 năm lưu hành trên trang web,(1) nay tôi quyết định tái bản ấn tống để nhiều chùa có cơ hội sử dụng Nghi thức này cho các Phật tử tại gia. Ấn bản mới này được tách thành 2 quyển gồm Nghi thức hộ niệm cầu an và Nghi thức hộ niệm cầu siêu để áp dụng cho hai loại đối tượng được hộ niệm khác nhau trong hai bối cảnh cầu nguyện khác nhau: Nghi thức hộ niệm cầu an cho người già, người bệnh và các dịp lễ hỷ, Nghi thức hộ niệm cầu siêu cho người hấp hối, cúng lễ tang, cúng thất và cúng giỗ.

Trong Nghi thức cầu an, ấn bản 1998, có 11 Kinh được tuyển chọn theo thứ tự sau đây: (i) Kinh hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm, (ii) Kinh giáo hóa người bệnh, (iii) Kinh các pháp quán niệm, (iv) Kinh dụ ngôn bọt nước, (v) Kinh quán niệm hơi thở, (vi) Kinh bốn lãnh vực quán niệm, (vii) Kinh biết sống trong hiện tại, (viii) Kinh từ tâm, (ix) Kinh phước đức, (x) Kinh cư sĩ tại gia, và (xi) Kinh thiện sanh. Các bài kinh mang số vi, vii, x và xi đã được đưa vào quyển Kinh Phật cho người tại gia, xuất bản năm 2013 nên không giới thiệu trong ấn bản mới của Nghi thức hộ niệm cầu an.

Trong Nghi thức hộ niệm cầu an này, ngoài việc thay đổi vị trí của các bài kinh, tôi phiên dịch và thay thế bổ sung 6 kinh khác gồm: (i) Kinh châu báu, (ii) Kinh ba dấu ấn thực tại, (iii) Kinh bảy điều giác ngộ, (iv) Kinh mười ba-la-mật, (v) Kinh tám điều giác ngộ của Bồ-tát, (vi) Kinh sám hối sáu giác quan. Tôi soạn và sưu tầm thêm một số bài sám nguyện với nội dung phong phú, bổ sung vào phần sám nguyện ở cuối nghi thức để người đọc tụng luân phiên thay đổi, mỗi ngày đọc một bài sám nguyện khác nhau.

Quý vị có thể đọc tụng Nghi thức này vào các buổi sáng, trưa, chiều hay tối. Trong mỗi khóa lễ, ngoài phần dẫn nhập và phần kết thúc, quý vị nên tụng 1-3 bài kinh, tùy theo thời gian cho phép. Cứ như thế, mỗi ngày quý vị đọc tụng từ kinh thứ nhất cho đến kinh sau cùng, sau đó tiếp tục tụng lại từ đầu.

Để việc đọc tụng Nghi thức này có kết quả mỹ mãn, người đọc tụng cần nắm vững ý nghĩa và tình huống sử dụng của các bài kinh như được gợi ý sau đây:

Khóa kinh cầu an được tụng vào các dịp hộ niệm cho bệnh nhân, cầu tai qua nạn khỏi, cầu gia đạo bình an, cầu mưa hòa gió thuận, cầu quốc thái dân an, cầu hòa bình thế giới, hay tụng vào những dịp lễ an vị Phật, lễ khai trương, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ tân gia, lễ sinh nhật, lễ đáo tuế, lễ cầu thọ, lễ chúc thọ v.v...

Đối với khóa lễ cầu nguyện thế giới hòa bình, cầu quốc thới dân an, cầu mưa hòa gió thuận, cầu an gia đạo bình an thì nên tụng một trong ba kinh sau đây: Kinh từ bi, Kinh châu báu, Kinh phước đức.

Đối với khóa lễ cầu an cho bệnh nhân, có thể tụng Kinh Bồ-tát Quan Âm, Kinh Vô ngã tướng, Kinh các pháp quán niệm, Kinh dụ ngôn bọt nước, Kinh sám hối sáu giác quan.

Đối với khóa lễ an vị Phật, lễ động thổ, lễ ăn tân gia, lễ khai trương hay lễ khánh thành nên tụng Kinh từ bi và Kinh phước đức.

Trước khóa lễ cầu an, vị chủ lễ cần hộ niệm qua phương pháp tư vấn tâm lý. Đầu tiên, cần hỏi thăm sức khỏe, bệnh tình, an ủi, vỗ về. Kế đến, giúp cho người bệnh hiểu rõ quy luật vô thường và vô ngã, chi phối

mọi sự vật hiện tượng để rũ bỏ mọi sợ hãi gồm sợ chết, sợ sinh ly tử biệt, sợ bệnh nặng, sợ bị bỏ rơi, sợ cô đơn và sợ cuộc sống vô nghĩa… Hộ niệm cầu an là để giúp người bệnh được an tâm, không còn căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và sợ chết. Sau thời kinh, vị chủ lễ cần phân tích khái lược nội dung bài kinh vừa tụng và hướng dẫn người bệnh thực hành để vượt qua nỗi khổ, niềm đau.

Quý vị Trụ trì, các Tăng, Ni và các Phật tử cần Nghi thức này, vui lòng liên hệ Văn phòng Quỹ Đạo Phật Ngày Nay tại Chùa Giác Ngộ để nhận kinh ấn tống.

Xin hồi hướng tất cả công đức từ việc ấn tống và thực hành Nghi thức này đến pháp giới chúng sinh. Cầu nguyện mọi người siêng năng học Phật pháp, tu Phật pháp, làm Phật sự và thiện sự để hưởng được bình an và hạnh phúc.

Chùa Giác Ngộ, ngày 01-6-2018

Thích Nhật Từ

Cẩn chí

Bình luận