CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển

Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển
Tác giả: 
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản: 
Nhà xuất bản Hồng Đức
Năm xuất bản: 
2019
ISBN: 
978-604-89-2853-7
Danh mục: 
Sách do Thích Nhật Từ biên tập

“Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển” là tuyển tập các bài nghiên cứu trong diễn đàn của hội thảo học thuật cùng tên nhằm đánh dấu 35 năm thành lập HVPGVN tại TP.HCM do Hội đồng điều hành của Học viện tổ chức vào ngày 7/12/2019.

Tuyển tập này gồm có 51 bài tham luận của các Tăng Ni và học giả trong và ngoài nước. Đây là tác phẩm có nhiều bài viết nhất, liên hệ nhiều chủ đề phụ nhất, được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu giáo dục Phật giáo, nhằm góp phần xây dựng nền Phật học Việt Nam tiên tiến và ngang bằng với nền Phật học trên toàn cầu.

Vì chủ đề hội thảo có nội hàm phong phú, tuyển tập này khảo cứu truyền thống giáo dục Phật học tại Việt Nam, các phong trào Phật học tại Việt Nam, các nhân vật có công phát triển Phật học tại Việt Nam, các đề xuất cải cách Phật học tại Việt Nam và các nghiên cứu cũng như góp ý xây dựng HVPGVN tại TP.HCM.

Không chỉ dừng lại ở khái niệm “Phật học Việt Nam thời hiện đại”, quyển sách này còn nhấn mạnh đến tiến trình hội nhập và phát triển của nền Phật học Việt Nam sau khi thoát khỏi ách cai trị của thực dân Pháp trong 90 năm và chính sách cai trị thiên vị Thiên Chúa giáo, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm trong 9 năm (1954-1963). Qua đó, gợi mở hướng phát triển bền vững nền Phật học Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa cho giáo dục Việt Nam và giáo dục trên thế giới.

1. Về truyền thống giáo dục Phật học tại Việt Nam, các bài tham luận trong diễn đàn này đều nhấn mạnh tính kế thừa truyền thống và phát triển trong tương lai. HT. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, trong bài nghiên cứu “Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển” đã khái quát nền giáo dục Phật giáo tại Việt Nam trong thế kỷ XX gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo tại nước nhà. Với vai trò lãnh đạo cao nhất của GHPGVN, Hòa thượng kêu gọi 4 Học viện, 9 trường Cao đẳng và 35 trường Trung cấp Phật học trên toàn quốc cần cải cách hơn nữa để một mặt, tạo dựng cho nền Phật học Việt Nam có tính hệ thống và tính sư phạm; mặt khác, năng động hơn trong hội nhập và phát triển thành nền Phật học có đẳng cấp trong khu vực và trên thế giới.

“Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển” của HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, ngoài việc nêu bật đặc điểm giáo dục Phật giáo, giới thiệu khái quát sự giáo dục đặc biệt của đức Phật dành cho các vị thánh A-la-hán trong giai đoạn đầu, sau khi ngài giác ngộ, còn nhấn mạnh mục tiêu giáo dục, tổ chức giáo dục, nội dung giáo dục Phật giáo. Tác giả điểm qua lịch sử giáo dục Phật giáo thời Lý – Trần và thời cận hiện đại như sự kế thừa để phát triển nền giáo dục Phật giáo vì mục đích khai sáng xã hội, mang lại hạnh phúc cho con người.

TT. Thích Phước Đạt, Phó Ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN, qua bài “Giáo dục Phật giáo Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” giới thiệu lịch sử giáo dục Phật giáo từ giáo dục tự viện, giáo dục Phật học viện đến giáo dục trường Đại học Phật giáo, cho thấy, lịch sử phát triển vượt trội của Phật học tại Việt Nam. Dầu thích ứng với phương pháp giáo dục thế học, nền giáo dục Phật học không nhằm nhồi nhét kiến thức, mà nhấn mạnh sự phát triển tâm linh, đạo đức, thiền định, trí tuệ là những mục tiêu chính.

PGS.TS. Nguyễn Công Lý trong bài “Giáo dục Phật giáo ở Việt Nam thời hiện đại” trình bày những điểm cơ bản nhất của nền giáo dục Phật học tại Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX, giai đoạn 1945-1975 và giai đoạn 1975 đến nay. Qua đó, tác giả kiến nghị lãnh đạo Phật giáo cần cải cách nền Phật học Việt Nam để phát triển giáo dục Phật giáo theo hướng bền vững.

ĐĐ. Thích Nhuận Lạc với bài viết “Giáo dục Phật giáo Việt Nam từ lịch sử đến hiện đại” đã giới thiệu lịch sử giáo dục Phật giáo trong thời Bắc thuộc, thời Trung đại, thời Pháp thuộc và phong trào chấn hưng Phật giáo dẫn đến sự ra đời của Đại học Vạn Hạnh. Trong lịch sử đồng hành với dân tộc, giáo dục Phật giáo thể hiện các tính chất nhân bản, dân tộc và khai phóng.

Bàn về “Giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay” ThS. Nguyễn Văn Quý phân tích các giá trị và đặc điểm của Phật học Việt Nam. Từ góc độ giá trị học, giáo dục Phật giáo hướng đến mục tiêu làm chủ bản thân, với phương pháp văn, tư, tu nhằm đạt được sự giác ngộ và giải thoát. Từ góc độ đặc điểm, giáo dục Phật giáo tạo ra hệ giá trị trí tuệ khai phóng nhân sinh.

“Giáo dục Phật học thời hiện đại” của TT. Thích Nguyên Hạnh không chỉ dừng lại ở mục đích giáo dục con người chính nó và con người xã hội mà còn hướng đến việc thành tựu “con người toàn thiện”. Theo đó, tác giả đề nghị hoàn thiện chương trình Phật học các cấp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để giúp người học đạt được trí tuệ như giá trị cốt lõi và quan trọng nhất trong Phật giáo.

Đề cập đến “Giáo dục Phật giáo trong thời đại hội nhập”, HT. Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An đề nghị đưa giới luật người xuất gia vào chương trình đào tạo, đề cao việc giữ gìn oai nghi tế hạnh, quan tâm chất lượng hơn số lượng, chú trọng hành giả hơn là học giả và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm tu tập để các thế hệ Tăng Ni tốt nghiệp tại các Học viện Phật giáo đều là những người có thực học, thực tu và thực chứng.

2. Đối với các phong trào Phật học tại Việt Nam, các học giả đặc biệt quan tâm các giai đoạn triều Nguyễn, Pháp thuộc và giai đoạn từ năm 1964 đến nay. TS. Nguyễn Duy Phương qua bài “Tăng sĩ dưới triều Nguyễn” khắc họa diện mạo Phật giáo trong giai đoạn có chuyển biến mạnh mẽ, kêu gọi nhìn nhận lại truyền thống giáo dục tại các tự viện, đồng thời đề cao phong trào chấn hưng Phật giáo thời cận đại.

Trong bài nghiên cứu “Từ cuộc kháng chiến chống Pháp, nhìn nhận về giáo dục lòng yêu nước của Phật giáo Việt Nam”, ĐĐ. Thích Nhuận Lạc khẳng định, Phật giáo Việt Nam nêu cao tư tưởng hộ quốc, an dân; lấy đó làm nền tảng giáo dục tinh thần yêu nước, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh và bảo vệ, phát triển đất nước trong thời bình.

TT. Thích Minh Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, trong bài “Mười năm của Viện Đại học Vạn Hạnh” giới thiệu trường Đại học Phật giáo đầu tiên, đề cao con người trong đời sống cá nhân và hoạt động tổ chức, nhằm giúp xây dựng hạnh đức, tâm đức và tuệ đức cho các thế hệ sinh viên.

TS. Dương Thanh Mừng nghiên cứu “Công tác giáo dục và đào tạo nhân tài của Hội Lưỡng Xuyên Phật học” nhấn mạnh giai đoạn 1934-1945 trong bước ngoặc chấn hưng Phật giáo tại miền Nam. Ngoài việc đào tạo Tăng tài, Hội này còn có công chấn hưng Phật giáo vào nửa đầu thế kỷ XX.

Sư cô Nhuận Bình nghiên cứu “Tư tưởng Phật học của Hội An Nam” với những đóng góp quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung kỳ gồm mở trường đào tạo Tăng tài, xuất bản tạp chí Phật giáo, thành lập hệ thống Quy củ Thiền môn và Gia đình Phật tử Việt Nam.

TS. Dương Hoàng Lộc trong bài “Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay” cho biết, không chỉ xây dựng Học viện, hệ thống Phật giáo Khmer còn nhấn mạnh chất lượng đào tạo Phật học song song với thế học, góp phần làm đòn bẩy thúc đẩy Phật giáo Khmer phát triển ở hiện tại và tương lai.

3. Về các nhân vật Phật giáo có công phát triển nền Phật học Việt Nam trong thời cận hiện đại, các tác giả trong sách này giới thiệu một số Đại sư và các cư sĩ nổi bật. TT. Thích Thông Thiền phác họa “Chân dung các vị có công phát triển giáo dục Phật học tại miền Nam Việt Nam” gồm các vị: Đại sư Khánh Hòa, Khánh Anh, Hành Trụ, Thiện Hòa, Trí Tịnh, Thiện Tường, Thiện Hoa, Huệ Hưng, Minh Châu, Bửu Huệ, Tuệ Siêu, Thanh Kiểm, Thanh Từ, Từ Thông, Thiền Tâm, Nhất Hạnh, Hoàn Quan, Chơn Thiện và cư sĩ Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền... góp phần tạo nên trang sử Việt Nam huy hoàng trong thế kỷ XX.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng giới thiệu nhiều tư liệu mới về HT. Tố Liên, vị đại sư có đóng góp to lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo miền Bắc, đào tạo Tăng Ni tài, thành lập Hội Phật giáo, kêu gọi Tăng Ni và Phật tử nhập thế một cách hiệu quả để phụng sự Phật giáo và dân tộc.

Theo Phan Thanh Việt qua bài “Hòa thượng Giác Tiên tiên phong trong giáo dục Phật học tại Trung kỳ” khắc họa hình ảnh vị Đại sư có công lèo lái con thuyền Giáo hội, khai sáng chùa Trúc Lâm tại Huế, dấn thân chấn hưng Phật giáo Trung kỳ, năng động trong hoằng pháp nhằm phục hưng Phật giáo tại cố đô.

Sư cô Niệm Huệ nghiên cứu “Hòa thượng Từ Phong và giáo dục Phật học Việt Nam thời hiện đại” cho thấy vị cao Tăng này nhấn mạnh giáo dục và hoằng pháp, kiến lập học đường, giảng dạy giáo lý, phiên dịch kinh sách, biên soạn giáo án và đặc biệt thành lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học năm 1931 góp phần chấn hưng Phật giáo miền Nam.

Về vị cư sĩ có công với Phật giáo miền Trung, Hồ Tiểu Ngọc nghiên cứu “Lê Đình Thám và ý thức đưa đạo vào đời”. Là một tri thức Phật giáo ưu tú, bác sĩ Lê Đình Thám tham gia đào tạo Tăng tài, sáng lập tổ chức Gia đình Phật tử, giúp giới trẻ tu học Phật và viết sách Phật học, chú giải kinh, góp phần chấn hưng Phật giáo Trung kỳ.

HT. Thích Phước Sơn qua bài “Nhìn từ một thời: Kính tưởng nhớ HT. Minh Châu” và cư sĩ Chơn Tâm - Lương Châu Phước trong bài “Sự nghiệp vĩ đại của Trưởng lão Thích Minh Châu” cùng nhắc lại những đóng góp to lớn của Đại sư Minh Châu về giáo dục Phật giáo. Nổi bật nhất là phát triển giáo dục Phật giáo ở cấp Đại học, làm Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, người đầu tiên phiên dịch kinh tạng Pāli sang tiếng Việt, mở rộng quan hệ ngoại giao Phật giáo quốc tế, truyền bá thiền Vipassana. Trưởng lão Thích Minh Châu mở ra truyền thống Phật học mới tại Việt Nam. Theo đó, các thế hệ sinh viên và Tăng Ni được học Phật giáo Nam truyền, Phật giáo Nhất thiết hữu bộ và Phật giáo Đại thừa, nhờ đó, việc làm đạo được dung hòa và thành công hơn.

“Giáo sư Minh Chi: Chân dung nhà nghiên cứu Phật học tận tụy” của ThS. Võ Văn Thành là bài nghiên cứu về đóng góp trong lĩnh vực giáo dục Phật giáo của học giả này, vốn là em của Trưởng lão Minh Châu. Từ những năm 1945 cho đến lúc qua đời, GS. Minh Chi để lại nhiều tác phẩm có giá trị về triết học, Phật học, văn hóa, lịch sử, văn học, được xuất bản rộng rãi và một số bản thảo chưa xuất bản, có giá trị học thuật cao.

TT. Thích Giác Duyên khái quát những đóng góp của HT. Thích Giác Toàn về lĩnh vực giáo dục Phật giáo trong suốt 40 năm với các vai trò khác nhau gồm: Nguyên Phó Ban thường trực Ban Giáo dục Phật giáo, Phó Viện trưởng thường trực HVPGVN tại TP. HCM, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương và hiện là Phó chủ tịch GHPGVN và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

4. Về những đề xuất cải cách nền Phật học tại Việt Nam, một số tác giả xem đó là nhu cầu rất cần thiết, cần nghiên cứu toàn diện để góp phần phát triển nền giáo dục Phật giáo. TT. Thích Nhật Từ trong bài nghiên cứu “Giáo dục Phật giáo Việt Nam” đã đề xuất sự cải cách mang tính hệ thống và toàn diện gồm: thống nhất chương trình giáo dục Phật học ở các cấp học gồm Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ tại các Học viện và trường Trung cấp Phật học trên toàn quốc.

TS. Đỗ Thu Hà đề cập đến “Cơ hội và thách thức đối với giáo dục Phật giáo đương đại” bao gồm vượt lên khuôn khổ thể chế, không phân biệt học thuật hay tôn giáo và tránh nhấn mạnh từ một phía hoặc đào tạo trí tuệ hoặc đào tạo tinh thần để nền Phật học Việt Nam trở nên toàn diện và phát triển mạnh.

Trong bài viết “Nâng cao giáo dục Phật pháp để phát triển Phật giáo Việt Nam”, TS. Dương Vương nhấn mạnh đến hiệu quả trong hội nhập và phát triển toàn cầu của hệ thống Học viện Phật giáo. Qua đó, kêu gọi các trường Phật học nên áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính nhằm giúp các nhà nghiên cứu thu thập, phân tích dữ liệu, đưa ra các hướng đi tích cực cho việc phát triển Phật học một cách bền vững.

TT. Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng thường trực Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, cho rằng “Thiền và giáo dục Đại học Việt Nam thời hội nhập” có giá trị giải quyết các hình thái khủng hoảng gồm: chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội và các phương diện cuộc sống khác. Bài viết kêu gọi đưa thiền vào trường học giúp sinh viên vượt qua chủ nghĩa thực dụng và sự hưởng thụ quá mức để làm chủ bản thân, sống hạnh phúc và có giá trị.

Trong bài nghiên cứu “Bổ sung học phần toán học vào chương trình đào tạo Phật học ở các HVPGVN”, TT. Thích Nguyên Đạt, Phó Viện trưởng HVPGVN tại Huế tin rằng toán học là ngành khoa học cơ bản, hữu ích cho suy luận, sáng tạo và khám phá. Do vậy, khi các nhà Phật học nắm vững toán học thì việc trước tác và giảng dạy sẽ mang tính hệ thống, logic, khoa học và thuyết phục hơn.

Bài viết “Định hướng phát triển chương trình Anh văn Phật pháp vào các trường Phật học” của Hà Thị Kim Chi giúp cho Tăng Ni nắm vững các thuật ngữ Phật giáo bằng tiếng Anh, hữu ích khi du học nước ngoài, nâng cao trình độ nghiên cứu và tham khảo, góp phần phát triển nền Phật học Việt Nam.

ĐĐ. Thích Thanh Tâm đề nghị “Xây dựng chuyên ngành Quan hệ đối ngoại Phật giáo” trong các trường Phật học, đặc biệt ở các Học viện Phật giáo nhằm tạo ra nguồn nhân sự ngoại giao, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển Phật giáo, góp phần phát triển xã hội bền vững.

Đề nghị áp dụng “Thuyết kiến tạo cho giáo dục Phật giáo Việt Nam”, SC. Viên Hiếu khẳng định rằng, giáo dục Phật giáo hướng đến mục đích kiến tạo con người, kiến tạo đời sống, kiến tạo tâm linh, kiến tạo đạo đức và trí tuệ sẽ mang lại hiệu quả cao trong giáo dục Phật học tại Việt Nam.

TS. Trần Kỳ Đồng đề xuất đưa môn “Tôn giáo học sinh thái trong chương trình giáo dục Phật học ở Việt Nam”. Theo tác giả, đây là môn học có cơ sở khoa học và triết lý nhân sinh vốn là điểm nhấn của Phật giáo, nhằm góp phần giúp xã hội vượt qua các hình thái khủng hoảng.

TS. Hoàng Thu Hương cho rằng việc bổ sung môn “Công tác xã hội trong Phật giáo” vào các trường Phật học sẽ góp phần nâng cao tinh thần nhập thế qua các hoạt động nhân đạo và từ thiện, theo đó, giúp quần chúng đến với Phật giáo hiệu quả hơn.

Với chủ trương “Tầm quan trọng của văn hóa Phật giáo Việt Nam đối với nền giáo dục Phật giáo Việt Nam”, ĐĐ. Thích Hạnh Tuệ và SC. Thanh Quế tin rằng môn học này góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và hoằng dương chánh pháp hiệu quả hơn.

“Đổi mới phương pháp giảng dạy” của ĐĐ. Thích Viên Tâm được xem là nhu cầu cấp thiết đối với các trường Trung cấp Phật học ở Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tinh thần nghiên cứu học thuật và ứng dụng lời Phật dạy trong cuộc sống, theo đó, Tăng Ni sinh làm chủ nguồn tri thức Phật học, chủ động và sáng tạo trong cách làm đạo và phụng sự nhân sinh.

TS. Nguyễn Văn Tuân cho rằng: “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tri thức Phật giáo Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0” là nhu cầu thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng sống của đất nước và con người Việt Nam.

“Cần nhận thức đúng về văn bằng Phật học” của ĐĐ. Kim Chương cho thấy sự khác nhau giữa Đại chủng viện, nơi đào tạo linh mục của Thiên chúa giáo với các trường Phật học, nơi đào tạo Phật học như một ngành khoa học thuộc nhóm Xã hội và Nhân văn, song song với hành trì Phật pháp. Tác giả đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thừa nhận bằng Phật học tương đương với các văn bằng trong hệ thống công lập và tư thục tại Việt Nam.

Trong phần nghiên cứu về hệ thống Phật học và những đóng góp của HVPGVN tại TP.HCM, TT. Thích Quang Thạnh, Tổng thư ký Hội đồng Điều hành, khái quát “35 năm hoạt động và đào tạo của HVPGVN tại TP.HCM”, theo đó, cung cấp các thông tin cần biết về Học viện Phật giáo lớn nhất tại Việt Nam.

TS. Đỗ Hữu Tâm từ Hoa Kỳ đưa ra “Bốn đề nghị cụ thể” nhằm phát triển HVPGVN tại TP.HCM; trong đó, nhấn mạnh tri hành hợp nhất, phát triển chương trình đào tạo liên thông, đầu tư hơn nữa cho ngành giáo dục mầm non và tạo ra Trung tâm sinh hoạt giới trẻ để phong phú hóa đời sống sinh viên tại Học viện.

ĐĐ. Thích Không Tú trong bài “Đổi mới giáo dục Đại học Phật giáo” nhằm đào tạo các Tăng Ni tài đức, phục vụ cho Phật giáo và dân tộc. Qua đó, tác giả đề nghị đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và đào tạo theo chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của giáo dục Phật giáo tại Việt Nam.

Bài viết “Công tác quản lý chương trình đào tạo ở Học viện Phật giáo Việt Nam” của ĐĐ. Thích Thiện Tấn đề nghị đổi mới cách quản lý chương trình đào tạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo thực hiện, kiểm tra đánh giá công tác quản lý chương trình để các Học viện Phật giáo nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong bài viết “Bước chuyển mình của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM”, Ni sư Như Nguyệt, Giảng viên khoa Lịch sử Phật giáo, khẳng định những tiến bộ trong giáo dục Phật học, đồng thời đề nghị cải cách và phát triển hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Phật học ở cấp đại học và hậu đại học.

“Mô hình liên thông giữa các Học viện Phật giáo Việt Nam” của ĐĐ. Quảng Tịnh cho thấy còn một số hạn chế cần được khắc phục. Sự thống nhất chương trình đào tạo và luân chuyển sinh viên và học viên giữa các Học viện Phật giáo sẽ tạo nên sự thống nhất và hệ thống của các trường Phật học tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Lê Tự Hỷ “Đề nghị chương trình học chữ Phạn trong Học viện Phật giáo Việt Nam” đáng được lưu tâm. Tác giả đề xuất dạy tiếng Phạn cơ bản bao gồm môn phiên dịch Bát-nhã tâm Kinh, chú Đại Bi, Thập tiểu chú từ Phạn văn ra tiếng Việt. Trong chương trình tiếng Phạn nâng cao, cần dạy Kinh A-di-đà và Kinh Kim Cương bằng Phạn văn nhằm giúp Tăng Ni nắm vững Phạn văn, có khả năng phiên dịch và nghiên cứu kinh điển Đại thừa hiệu quả hơn.

“Các khó khăn và giải pháp cho các Tăng Ni du học nước ngoài” của ĐĐ. Thích Đồng Tâm là một nghiên cứu định tính, thuộc lĩnh vực xã hội học đáng được quan tâm. Thông qua việc phỏng vấn về mức độ hài lòng liên hệ chất lượng đào tạo của Học viện Phật giáo, tác giả đề xuất các giải pháp giúp đỡ Tăng Ni vượt qua khó khăn.

Ni sư Như Nguyệt, Phó khoa Trung văn, qua bài viết “Vai trò Ni giới trong Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM” và SC. Liên Thảo trong bài “Bình đẳng giới trong Phật giáo và trong Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM” cho thấy Ni giới Phật giáo được tạo điều kiện thuận lợi, phát huy khả năng trong lĩnh vực giáo dục, góp phần nâng cao tinh thần bình đẳng trong đóng góp và phụng sự.

ĐĐ. Thích Nguyên Hạnh qua bài “Giá trị sống của Tăng Ni sinh” bắt đầu từ việc học Phật và tu Phật nghiêm túc, hướng đến chân, thiện, mỹ. Qua đó, kêu gọi Tăng Ni trẻ năng động trong nhập thế, chia sẻ chân lý Phật cho mọi thành phần xã hội.

Như tựa đề của bài viết “Nâng cao phẩm hạnh Tăng Ni trong các trường Phật học”, HT. Thích Chơn Không, Phó Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN, đề nghị mô hình tu học nội trú, đề cao chánh niệm trong từng oai nghi để sau khi tốt nghiệp, các Tăng Ni xứng đáng làm thầy mô phạm của quần chúng.

SC. Diệu Trí đề xuất nâng cao “Chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM”; trong đó, nhấn mạnh các dịch vụ hỗ trợ nhằm giúp sinh viên vượt qua khó khăn trong tu học và gắn kết phụng sự sau khi tốt nghiệp.

TT. Thích Giác Hoàng, Phó Tổng Thư ký HVPGVN tại Tp.HCM qua bài “Chương trình cử nhân và thạc sĩ Phật học theo mô hình đào tạo từ xa” khái quát lịch sử ra đời, đối tượng theo học và nội dung học tập, các hoạt động của Khoa Đào tạo từ xa và lợi ích của khoa này mang lại cho giới cư sĩ trí thức trong phụng sự Phật giáo và nhân sinh.

Sự hội nhập và phát triển của nền Phật học Việt Nam thời hiện đại là một xu thế tất yếu, đòi hỏi nguồn chất xám tập thể, lý tưởng và tinh thần phụng sự nhân sinh của lãnh đạo các trường Phật học cũng như các giảng viên và các nhà nghiên cứu Phật học.

Tôi tin tưởng rằng các đóng góp trong tác phẩm này có thể được sử dụng trong định hướng chiến lược và xu thế phát triển nền Phật học tại Việt Nam trong hiện tại và tương lai theo hướng bền vững.

HVPGVN, Cơ sở Lê Minh Xuân, ngày 15-11-19

TT. Thích Nhật Từ

Bình luận