CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên 2: Ngày tu tập thứ 4

Chương trình pháp thoại

Ngày tu tập thứ 4, các giới tử được cung đón Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ – Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Ủy viên Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Đồng Nai- Giảng sư Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN – Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM. Sư cô  hiện là một giảng sư nổi tiếng.

Chủ đề bài pháp thoại : ‘’Xuất gia là huân tập chủng tử thiện lành’’.

 

Các giới tử vô cùng xúc động khi được nghe Sư cô kể lại tâm nguyện xuất gia của chính Sư cô trước khi vào bài pháp thoại.

Bài pháp thoại được chia làm ba nội dung chính: i) Người xuất gia khác với người thế tục những gì: Trên thế gian người không luyến ái là người hạnh phúc. Người xuất gia khác người thế tục điều đó. Người thế tục luyến ái là hạnh phúc. Nếu xây dựng gia đình thì chỉ phục vụ cho gia đình bé nhỏ. Còn xuất gia để được phục sự Phật pháp và chúng sanh. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó bởi vì còn một chữ ‘’Duyên’’. Mặc dù chỉ là gieo duyên nhưng các giới tử cũng đã có nhiều phước báu. ii) Phát tâm Bồ đề: Dù là gieo duyên nhưng cũng phải phát nguyện tâm Bồ đề, làm gì cũng phải nghĩ đến ngoài lợi ích cho mình còn cho người, lợi ích cho số đông. Người xuất gia phải nắm vững và luôn phát tâm Bồ đề rộng lớn.Tâm Bồ đề là nhân giác ngộ là hạt giống Phật. Tâm Bồ đề là hy sinh cho chúng sanh. iii) Huân tập các chủng tử thiện lành tăng trưởng, chủng tử ác chưa có đừng huân tập, nếu có thì phải hóa giải. Vì vậy, xuất gia hay tại gia phải nắm lấy hai chữ huân tập để biến cát thành vàng, không huân tập thói hư tật xấu để đưa đến nhân quả khổ đau. Con đường xuất gia là con đường huân tập dễ nhất vì người xuất gia với sự tăng trưởng trí tuệ  không huân tập các chủng tử xấu ác. Chốn thiền lâm (đại tùng lâm) là nơi huân tập các chủng tử lành dễ nhất, nương thanh qui, nương Tam bảo, nương Tăng đoàn để huân tập chủng tử lành.

Sư cô nhắc nhở các giới tử không được nói tùy duyên và tự tại. Nên người tại gia phải luôn luôn thực tập chánh niệm để sống tỉnh thức, đừng tùy tiện nói hai chữ tùy duyên và tự tại. Người tập sự không được nói tu tại tâm, người tu thực sự là phải tu cả tâm và thân.

Sư cô cũng nhắn nhủ: Người xuất gia trong mọi hoàn cảnh phải có sức chịu đựng, đó là trí tuệ. Chứ không phải trí tuệ là tài năng, là tài giỏi, nói hay, chữ đẹp…Người có trí tuệ mới nhẫn nhục được, mới yêu thương được. Được xuất gia với vị thầy càng nghiêm càng hạnh phúc và biết mình có phước báu được xuất gia với vị thầy giữ vững cơ nghiệp của Phật giáo.

Bài pháp thoại với những câu chuyện thực, nhân vật thực, việc thực minh họa cho các nội dung chính và bằng thông tuệ Phật pháp cùng với  kinh nghiệm  nhiều năm thuyết pháp. Bài pháp thoại không chỉ có giá trị cho người xuất gia gieo duyên mà chính là bài học giá trị cho những người xuất gia chọn đời.

‘’Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh

Hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương’’

Chương trình pháp thoại buổi chiều

Các giới tử trong khóa tu may mắn có cơ duyên được cung đón Ni sư Phụng Liên, tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ, Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM, Giảng Sư của Ni giới Hệ phái Khất sĩ, trú xứ tại Tổ đình Ngọc Phương.

Ni sư đã có bài pháp thoại cho khóa tu‘’Xuất gia gieo duyên’’ lần thứ 2 với chủ đề: "Cầu và vô cầu’"

 

Theo Ni sư, có cần mới có cầu, nhưng trong kinh đức Phật có nói: Có những trường hợp không cần. Cho nên không cầu. Chúng ta cần mổ sẻ xem cần gì thì mới cầu. Đến một mức độ nào đó sự cầu nguyện trở thành một vấn đề tâm linh ai cũng cầu, già, trẻ, giầu, nghèo đều cầu. Có 5 cách cầu nguyện: Cầu siêu, cầu an, cầu xám hối, cầu đạo (gặp được thầy hiền bạn tốt, vượt qua thử thách của thầy Bổn sư, thử thách từ huynh đệ, thử thách vượt qua chính mình), cầu giải thoát.

Có ba hạng người cầu nguyện: Hạng người thứ nhất không chấp nhận sự cầu nguyện, không có tội, phước. Tội, phước không thể cho, sự sống không thể thay đổi được; Hạng người thứ hai chấp nhận có cầu nguyện nhưng ở hai dạng: Cần thì cầu và tham mà cầu; Hạng người thứ 3 là vô cầu (ngã mạn, xem thường đời).

Đối với người thế tục nhờ có trí tuệ và công đức mà phước của họ nhờ làm các việc công đức mà họ được sống bình yên, hạnh phúc, thành công và giầu có. Đối với người xuất gia gieo duyên hay chọn đời càng cần trí tuệ và công đức hơn. Bởi nhờ có trí tuệ người xuất gia mới buông, mới tu được và nhờ có công đức mới làm nền tảng đi lên không bị gập ghềnh, không gặp khó khăn. Trí tuệ có được là nhờ có văn tuệ. Văn tư tu sẽ làm nên trí tuệ. Nếu trí tuệ là tài sản thì công đức cướp không thể đoạt được, có cho đi cũng không ai lấy được.

Cuối bài giảng Ni sư đã hướng dẫn cho các cách tạo dựng công đức: ‘’Ai muốn được nhiều phước báu, tập bố thí cúng dường. Ai muốn công đức nhiều hơn, nên dựng xây tu viện. Ai muốn công đức miên viễn, phải trí giới quy y. Ai muốn công đức huyền vi, tu từ bi chánh niệm. Ai muốn công đức tuyệt đỉnh thì đắc trí tuệ giải thoát, niết bàn… ’’

Với kinh nghiệm là một giảng sư và kinh nghiệm tu tập đồ sộ Ni sư đã đi sâu phân tích ba hạng người trên bằng triết lý của đạo Phật. Bài giảng pháp đã cho chúng ta những giá trị rất sâu sắc không chỉ cho những ai có tâm nguyện xuất gia dù là gieo duyên hay chọn đời mà còn cho cả Phật tử tại gia.

Chương trình tu học buổi tối, các giới tử tham dự đại lễ Phật đản PL 2561 DL. 2017.

Ngày tu tập thứ tư đã khép lại với sự nỗ lực, tinh tấn để vượt lên chính mình mà ‘’Chiến thắng chính mình là chiến thắng hiển hách nhất’’ và cũng là điều khó nhất.

Sau đây là một số hình ảnh tại khóa tu:

Bình luận