CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Gương Sáng 16: Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến

Các bạn trẻ đã được gặp gỡ Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến, nhà văn, nhà phiên dịch. Ông đã có hơn 60 đầu sách xuất bản. Đặc biệt ông đã được Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 chấp nhận cho dịch toàn bộ tác phẩm của Ngài.

 

Cái tên Nguyễn Minh hay Nguyễn Minh Tiến trở nên rất quen thuộc và gần gũi với độc giả nhất là trong giới Tu sĩ, nhà nghiên cứu và gần đây là tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh bởi ông là người đã hiệu đính, biên tập, soạn dịch hàng loạt cuốn sách nổi tiếng của Phật giáo như: Lược sử Phật giáo thế giới; Kinh Bi Hoa; Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh; Tứ Diệu Đế; Quy Sơn cảnh sách. Cùng những trang sách Ai làm khổ tôi, nắng mới bên thềm xuân, Hạnh phúc là điều có thật, Ai vào địa ngục…

Không ai vừa sinh ra có thể lựa chọn được nơi sinh ra của mình, các tu sinh đã được nghe nhà văn chia sẻ về tuổi thơ của mình. Ông đã lưu lạc khắp nơi, ông lưu lạc không phải vì đói nghèo mà vì những biến cố chiến tranh khắc nghiệt quá, mẹ ông chỉ muốn tìm một nơi yên ổn, bình yên hơn. Ông cũng như bao nhiêu người thời đó không có tuổi thơ yên ấm và được học hành như các bạn trẻ thời nay.

Mới 11-12 tuổi trong ông đã có một trăn trở: ‘’Nếu con người sinh ra và chết đi, thế thì ý nghĩa của quãng đời từ lúc chào đời và lớn nên rồi chết đi nó là cái gì, tại sao phải như vậy, sao mà nhạt nhẽo như thế?’’. Ông đã có một phản kháng khi cha mẹ bắt theo đạo Phật. Trong khi các bạn bè theo các tôn giáo khác mà cha mẹ lại chỉ bắt theo đạo Phật, biết đâu các tôn giáo khác lại dạy cho ông những điều hay hơn, tốt đẹp hơn. Bước ngoặc lớn nhất của cuộc đời ông là được ba gửi vào ở nội trú trong một ngôi chùa và từ đó ông có điều kiện tiếp xúc với đạo Phật và chính lúc đó, ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo khác. Ông đã đọc rất nhiều sách và kinh sách của các tôn giáo kể cả Kinh Koran để từ đó ông so sánh chứ không chịu sự áp đặt như thế. Cuối cùng ông đã nhận ra rằng không có một tôn giáo nào, một giáo pháp nào lại khoa học và hợp lý như là đạo Phật. Từ đó ông đã quyết định theo đạo Phật mà không vì một sự áp đặt nào.

Ông đã hấp thu được một nền Hán học uyên bác từ người cha và đó cũng là một nét đặc biệt trong đời để rồi ông được đắm mình trong biển cả giáo pháp thiêng liêng của đức Phật. Từ đó ông đã âm thầm cống hiến không mệt mỏi những tác phẩm cho đời.

Các tu sinh được nghe ông chia sẻ về việc học, nhất là lý do về học chữ Hán bởi một niềm thao thức, một động cơ duy nhất khi đọc một câu Kinh không hiểu. Bởi có quá nhiều chữ Hán và cùng với câu hỏi có bao nhiêu người không hiểu Kinh Phật  như mình.   

Các tu sinh rất lý thú và tâm phục khi được nghe ông chia sẻ cụm từ ‘Tu học’ và đó cũng là bí quyết mà ông chia sẻ cho các bạn tu sinh áp dụng vào trong cuộc đời: làm gì và học gì thì cũng phải tu trước rồi mới học.

Để các bạn tu sinh dễ dàng tiếp cận được tủ sách ‘’Rộng mở tâm hồn’’ do chính nhà văn sách tác, soạn dịch và biên soạn, xuất bản. Ông đã hướng dẫn và giới thiệu cho các bạn trẻ nào muốn tìm hiểu về đạo Phật, các bạn mới tốt nghiệp Trung học đang đứng trước ngưỡng cửa chọn cho mình một ngành nghề hay các sinh viên mới ra trường  hay các bạn đang có cuộc sống đầy những bộn bề, phức tạp... Các bạn đều có thể tham khảo trong tủ sách Rộng mở tâm hồn.

Trong các tác phẩm đã xuất bản trong đó có bộ kinh‘’Đại bát niết bàn’’ là bộ sách dày nhất, lớn nhất với hơn 4700 trang đã được xác lập kỷ lục. Các tu sinh được nghe ông kể về quá trình thể hiện chuyển đổi bản văn có chữ Hán sang bản văn không có chữ Hán trên hệ điều hành windows trên máy tính.

Trong phần giao lưu, bạn đặt câu hỏi đã rất hay, người trả lời lại càng hay hơn.

Cuối buổi chia sẻ, ông đã kể về một giấc mơ hồi trẻ về vị Bồ tát Quan âm mà cũng chính là mẹ ông khi tỉnh giấc mơ. Nên nhân mùa Vu Lan ông muốn gửi tới tất cả các bạn trẻ rằng: ‘’Nếu bạn nào còn mẹ hãy biết rằng đó là Bồ tát Quan Âm là Phật Quan Âm trong nhà và nếu người nào còn cha thì đó là người thầy vĩ đại nhất’’.

Bình luận