CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Gương Sáng 15: Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký

Người đã ‘dùng chân’ viết nên một kỳ tích, bởi nghị lực và ý chí phi thường. Báo chí đã viết nhiều về ông, nhắc đến tên ông là nhắc về một người thầy "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết". Đó chính là nhà giáo ưu tú, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký - người mà các tu sinh được gặp trong chương trình Gương Sáng trong khóa tu lần thứ 15.

 

Suốt một đời cống hiến cho giáo dục và văn chương, nhưng không như những đứa trẻ khác khi tập viết chữ O như thông thường mà để viết được chữ O, người học trò Ngọc Ký đã phải rơi bao nước mắt và phải viết bằng một cây bút chì đặc biệt, ruột bút chì thì tròn, nhưng cán bút chì không tròn mà vuông, bởi có vuông khi kẹp vào chân mới không bị xoay vì trơn và cậu học trò đi học ngoài việc mang giấy vở còn là một tấm chiếu. Phải mất đến 2 năm trời cậu học trò Ngọc Ký  mới học xong lớp vỡ lòng.   

Biết về tuổi thơ và hành trình vươn lên trong cuộc sống của người thầy giáo, bất cứ ai cũng không thể kìm nén nỗi xúc động.

Người học trò Ngọc Ký mơ ước trở thành một nhà toán học, thế là ông lặng lẽ đi bộ 5km để tìm thầy xin những đề toán khó để giải. ‘’Ngày học, đêm học, thôi  thì mai đừng ăn nữa nhé, cứ học cho nó no’’, đó là câu nói của người mẹ khi thấy cậu học trò mê toán, đến nỗi đang ăn nhưng bỏ ăn để giải toán và kết quả say mê toán của học trò Nguyễn Ngọc Ký là giải thưởng toán quốc gia.  Ai cũng ngạc nhiên khi thấy một học sinh giỏi toán lại có bước ngoặc sang văn khoa. Khi đã trở thành một nhà giáo dạy văn. Viết văn cho thiếu nhi đã khó, dạy gì cho tâm hồn trẻ lại càng khó.

 Một nhà giáo đi dậy học thì viết bảng ra sao khi hai tay không thể cầm, nắm viên phấn, đó là cả một quá trình thí nghiệm, đã có rất nhiều cách thầy thử nghiệm trên lớp nhưng đều thất bại, thất bại hết lần này đến lần khác để rồi cuối cùng cũng tìm ra được một phương pháp mà thầy và trò thấy thích thú. Cũng giống như ước mơ làm sao dùng đôi chân để cắt được hoa giấy.

Cũng không có ai nghĩ rằng, người thầy giáo viết bằng chân khi đi dự Hội giảng người giáo viên dạy văn giỏi lại đạt giải nhất của tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ.

Phần huyên náo làm khuấy động cả giảng đường đó là phần đố vui (bằng thơ do chính thầy sáng tác) có thưởng (phần thưởng là sách của thầy Ngọc Ký) dành cho các tu sinh. Quả thật rất thú vị và các bạn tu sinh rất thông minh!

 ‘’Đằng sau những thành công, bao giờ cũng có bóng dáng người phụ nữ’’câu chuyện tình yêu củaThầy Nguyễn Ngọc Ký, một nhà văn, nhà thơ đã kể về mối tình, về hai người vợ (hai chị em ruột) của mình như một thiên tình sử của thầy bằng những bài thơ tặng vợ.

Khi trả lời câu hỏi của các bạn trẻ về  việc làm sao Thầy có nghị lực vượt qua những khó khăn để trở thành một người thành đạt như hôm nay? Đó là: Lòng tự trọng là động lực là niềm say mê.

Hình ảnh Thầy thể hiện khi viết chữ và cắt hoa cho các tu sinh được mục thị ngay tại giảng đường đã làm cho các tu sinh đi từ ngạc nhiên đến lòng thán phục và những tràng vỗ tay vang dậy cả giảng đường đã kết thúc buổi trò chuyện trong chương trình ‘’Gương sáng’’ để lại nhiều dấu ấn cho các bạn tu sinh.

Khi chia sẻ bí quyết để thành công, Thầy đã tặng cho các bạn tu sinh 6 cặp chữ M đó là: Mơ mộng (ước mơ)- đừng bao giờ từ bỏ những ước mơ và khát vọng đó là động lực; Miệt mài (chăm chỉ)- làm việc gì cũng phải miệt mài; Mưu mẹo (sáng tạo); Mạnh mẽ- gấp rút, quyết liệt làm đến nơi đến chốn; Mềm mại (uyển chuyển); May mắn- nhiều người yêu thương.

Bình luận