CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ: Dấu ấn khóa tu Ngày An Lạc lần thứ 23

Đến hẹn lại lên, mỗi tháng hai kỳ dành cho khóa tu ngày an lạc. Hôm nay, chủ nhật ngày 9/7/2017, tại chùa Giác Ngộ, số 92, đường Nguyễn Chí Thanh, F.3, Q. 10, TP.HCM đã diễn ra khóa tu an lạc lần thứ 23 với những chương trình được BTC ấn định như sau:

Mở đầu thời khóa tu tập là buổi thiền tọa do ĐĐ. Thích Ngộ Phương cùng tăng đoàn chùa Giác Ngộ hướng dẫn quý Phật tử thực tập. Đây là khoảng thời gian giúp chư hành giả tái tạo năng lượng sau một tuần miệt mài với công việc trong cuộc sống đời thường. Dẫu chỉ hơn nữa giờ thực tập, nhưng mức định tâm và sự chánh niệm đã có mặt trong từng hơi thở và bước chân của mỗi hành giả tham dự khóa tu.

Thời khóa tiếp theo là giờ tụng kinh trong cuốn “Kinh cho người bắt đầu” do TT. Thích Nhật Từ biên soạn. Có thể bạn là Phật tử, nhưng không hẳn lúc nào bạn cũng có cơ hội được đọc tụng lời Phật dạy hàng ngày. Vì vậy, khi đến với khóa tu tại chùa Giác Ngộ, nghi thức tụng kinh trở thành công việc quan trọng không thể thiếu của chư tăng và quý hành giả đồng tu. Được đọc tụng lời Phật dạy, nghĩa là mỗi hành giả lại có thêm 1 cơ hội học hỏi, gợi nhớ những lời dạy đạo đức vàng ngọc quý báu của Ngài, cũng là cơ hội để mỗi người tự soi sáng chính mình, sửa chữa những thói hư tật xấu vốn dĩ huân sâu trong tiềm thức mỗi người.

Có thể nói, một trong những dấu ấn đọng lại tại các khóa tu ở chùa Giác Ngộ chính là sự đầu tư nghiêm túc trong khâu kịch bản và dàn dựng cũng như chọn lọc những chương trình ý nghĩa để đưa vào khóa tu. Một trong các talk show trực tiếp thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo khán thính giả trong cũng như ngoài nước hiện nay chính là chương trình “Vì sao tôi theo đạo Phật” của chư vị Phật tử khách mời.

Ca sĩ Phật tử Quách Tuấn Du được biết đến như là một trong những ông hoàng chuyên trị dòng nhạc belero đang hot nhất hiện nay. Thế nhưng, ít ai biết đằng sau ánh hào quang chói sáng trên sân khấu của anh là cả một tuổi thơ mang thân phận mồ côi và những tháng ngày vất vả ngược xuôi trên con đường sự nghiệp cũng như hành trình mưu sinh đầy gian nan thử thách của mình. Anh sanh ra tại quê hương An Giang, không may mắn vì mồ côi cha từ bé, một mình mẹ tảo tần nuôi 6 miệng ăn. Quách Tuấn Du lớn lên trong sự lam lũ của mẹ và không có lấy bàn tay vỗ về dạy bảo của cha. Vì mưu sinh, vì đam mê ca hát, anh đã bỏ quê nghèo lên TP. HCM lập nghiệp. Cuộc sống ở Sài Thành không mấy dễ dàng cho một cậu bé đôi mươi, mang tinh thần lập nghiệp chỉ hai bàn tay trắng.

 

Anh phải làm đủ nghề để sống, không kể đó là chạy bàn hay bưng bê trong các quán ăn. Nhưng có lẻ vì cái duyên lành được biết đến đạo Phật từ bé, được theo nội đi chùa tụng kinh từ thuở ấu thơ, anh may mắn thi đậu vào Trung tâm ca nhạc nhẹ tại TP.HCM. Con đường sự nghiệp từ đây nở rộ, ánh sáng cuộc đời từ đây đã mỉm cười với chính anh. Vậy mà niềm vui chưa trọn, hạnh phúc chưa được đông đầy, tai nạn đã ập đến cuộc đời anh đã làm biến dạng hơn nữa khuôn mặt và nhiều vết thương trên cơ thể. Nỗi buồn, sự tuyệt vọng của một chàng trai trẻ đã khiến anh có những lúc ngã quỵ, nhưng rồi pháp Phật thật nhiệm mầu, anh từng bước khắc phục vết thương, từng bước tìm lại sự nghiệp của chính mình. Không lâu sau đó, anh tiếp tục gặp tai nạn sập sân khấu khi đang biểu diễn tại quê hương Tân Châu, An Giang và xe lao từ cấu xuống sông tại tỉnh Đồng Tháp.

Những biến cố đau thương liên tục đến với cuộc đời anh, mỗi lần đối diện với những nỗi đau, anh chỉ biết quay về quỳ bên chân Phật, chia sẻ với Phật tất cả những nỗi khổ niềm đau anh đã trải qua trong cuộc đời. Có lẻ, trong thế giới mênh mong rộng lớn này, cũng chỉ có đức Phật là người luôn sẵn lòng lắng nghe anh, lắng nghe với tâm thế bao dung, không phán xét, không suy tư, không dính mắc. Anh cảm thấy tâm đắc và chia sẻ cùng đại chúng rằng: “Quý vị phụ huynh nên đưa con em mình đến chùa tham dự các khóa tu hay tụng kinh lễ Phật, điều đó rất có lợi ích cho tất cả các em sau này. Cũng giống như anh, nhờ có đức Phật mà mọi biến cố cuộc đời anh như được hóa giải”. Anh quan niệm: “sống là cứ cho đi mà không cần nhận lại, làm những điều tốt cho mọi người là mình cảm thấy vui”.

Cách đây mấy năm, anh đã thực hiện live show nhạc Phật giáo mang tên “Về chốn bình yên” để tri ân đức Phật đã cứu lấy cuộc đời mình. Anh đã thỉnh chư tăng xuống tóc ngay trên sân khấu trong sự xúc cảm nghẹn ngào của một đứa con sau bao nhiêu đau khổ đã tìm về bên chân Phật. Lễ thế phát trên sân khấu đã nhận được rất nhiều sự đồng tình và phản đối của khán giả, nhưng với anh, đó là lòng hướng thiện, là sự tri ân sâu sắc đối đạo Phật, một tôn giáo đã soi sáng đời anh. Anh ước mơ sẽ đủ duyên tổ chức live show nhạc Phật giáo lần 2 để tôn vinh và tri ân đức Phật, đồng thời anh mong quê hương An Giang của mình sẽ xuất hiện nhiều nghệ sĩ tài năng, để cùng với mình làm những công tác thiện nguyện giúp đỡ quê hương.

Xuyên suốt buổi giao lưu, đã có những nụ cười của khán thính giả bật lên, nhưng cũng có rất nhiều giọt nước mắt của nhân vật chính tuôn rơi cho những bất hạnh đã trải qua trong cuộc đời. Anh đã hát tặng khán giả tại hội trường và những ai đang xem trực tiếp qua màn hình internet những ca khúc nhạc Phật giáo mang đậm ý nghĩa đạo đức nhân văn. Và với một ca sĩ đã trải đời như anh, chỉ có những ca từ thẩm thấu tình đời, tình đạo của nhạc Phật giáo mới đủ độ chín mùi để làm anh rung cảm, để làm trái tim anh tan chảy. Hy vọng, cuộc sống của anh sẽ luôn gặp nhiều thuận duyên trong mỗi bước hành trình, để mang tiếng hát của mình cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.

Buổi chiều cùng ngày TT. Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, trưởng BTC khóa tu thuyết giảng về đề tài: “Câu chuyện Hoằng pháp tại Canada và Hoa Kỳ”. Có thể nói, sau 5 lần hoằng pháp tại nước ngoài (5 lần tại Hoa Kỳ và 1 lần tại Canada, không tính những lần đi Châu Âu), thì đây là lần đầu tiên Thượng tọa có những chia sẻ chân tình đến quý Phật tử về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình vân du hoằng hóa tại hải ngoại của mình. Chuyến đi chỉ vỏn vẹn 48 ngày tại hai quốc gia, Canada và Mỹ, nhưng Thượng Tọa đã để lại cho quý Phật tử trên 60 bài thuyết giảng ý nghĩa và sâu sắc.

 

Điều đó chứng tỏ, chư tôn đức tăng ni trú trì tại hải ngoại cũng như toàn thể quý Phật tử nơi này đã dành sự ưu ái tuyệt đối đến Thượng tọa. Không chỉ những ngày thứ 7 và chủ nhật, mà những ngày hành chánh từ thứ hai đến thứ sáu họ đều linh động sắp xếp lịch giảng rất chu đáo. Tại  buổi thuyết giảng, Thượng tọa gửi lời tri ân chân thành đến chư tôn đức tăng ni cùng quý Phật tử hảo tâm tại hai đất nước Canada và Hoa kỳ đã dành thời gian quý báu, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến hoằng pháp này của Thượng Tọa thành công tốt đẹp.

Chia sẻ về những trải nghiệm của mình cho những chuyến hoằng pháp dài ngày tại tại nước ngoài cho những vị giảng sư đàn em, Thượng tọa đã đúc kết các yếu tố như sau:

-  Những lo lắng không cần thiết: Đã từng vấp phải một bộ phận nhỏ những thành phần cực đoan chống đối trong các chuyến hoằng pháp trước tại Hoa Kỳ, nên khi chuẩn bị đến Canada thuyết giảng, chư tôn đức tăng ni và các Phật tử ở đây lo lắng rất nhiều, họ thậm chí lên ý tưởng cho những kịch bản nếu có sự chống đối diễn ra. Tuy nhiên, trong suốt những ngày hoằng pháp tại đây, mọi việc điều diễn ra thuận lợi, các thời thuyết giảng thành công ngoài mong đợi. Do đó, chúng ta nên giải phòng những lo lắng trong cuộc đời. Sự lo lắng sẽ lấy đi nhiều năng lượng, thời gian và sức khỏe, trong khi đó có những việc đến như một lẻ hiển nhiên. Sự lo lắng làm chúng ta đánh mất chánh niệm trong cuộc sống.           

-  Tránh voi chẳng hổ mặt nào: Khi nghe thầy đến các đạo tràng thuyết giảng, một bộ phận nhỏ người chống đối đã gọi điện thoại, gửi email từ trước đó để hù dọa các thầy trụ trì, cấm sự xuất hiện thuyết pháp của thầy. Tuy nhiên, vì việc này đã từng diễn ra từ nhiều năm trước nên quý thầy trụ trì thản nhiên, đôi khi lãng tránh, thậm chí nói rằng thầy Nhật từ không thuyết giảng ở đây nữa. Mặc dù nói tránh như vậy, nhưng lịch giảng của thầy vẫn được diễn ra và quý Phật tử đến nghe pháp vẫn rất đông đảo.

-  Mềm thì nắn, rắn thì buông:

Thành công trong cuộc đời mỗi người luôn đi kèm với những khó khăn nhất định. Nhiều đạo tràng thầy đến thuyết giảng đã có sẵn những nhóm người chống đối, biểu tình, quậy phá. Để chặn đứng những điều áp đặt vô căn cứ đó, người lãnh đạo của mỗi đạo tràng phải báo lên cảnh sát để nhờ họ đứng ra giải tán các nhóm người quấy rối vô căn cứ này. Cũng có những nơi, như chùa An Lạc phải hủy lịch giảng và cơ hội thuyết pháp đó lại nhường cho một ngôi chùa khác hữu duyên hơn. Đó là phương châm: “mất đi cơ hội không phải là mất đi tất cả”. Sự cứng rắn và buông bỏ đúng lúc cũng là một trong những thủ pháp giúp chuyến đi của thầy thành công ngoài mong đợi.

Đúc kết: Cuối pháp thoại, Thượng tọa khuyên tất cả quý Phật tử  hãy hiểu về thầy qua 3 điều sau: sách thầy viết, hơn 3500 bài thuyết giảng của thầy và các hoạt động Phật sự và thiện sự mà thầy đã cống hiến cho cuộc đời. Nếu quý vị không đọc, không nghe và không nhìn thấy những gì thầy làm mà vội quy kết, chụp mũi, vu cáo thầy theo phe này, đảng nọ là người hèn nhát, lời nói của người đó không có giá trị, không mang lại lợi ích cho mình và tha nhân. Luật nhân quả sẽ không bao giờ buông tha những người như thế. Quý vị hãy dành thời gian, sức khỏe và cuộc đời của mình làm lợi ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Có như thế cuộc sống của quý vị mới thật sự có ý nghĩa. Quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người không phải ta sống bao lâu, mà ta sống như thế nào, hành xữ và hành động như thế nào để mình và người cùng hạnh phúc.

Một ngày tu tập an lạc của hơn 700 hành giả đã khép lại, lời thầy giảng vẫn còn vang vọng đâu đây. Thầy xuất hiện trên pháp tòa bình dị, thân thương và chân chất. Bài thuyết giảng chân tình mà sâu sắc ý nhị, đó là kinh nghiệm sống, là lối hành xữ nhân văn mà đôi khi cả cuộc đời mỗi người không dễ gì có được.

Xin giới thiệu một số hình ảnh tại khóa tu:

Bình luận