CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Phật tử giác Thanh Nhã - tấm gương phụng sự đạo pháp không mệt mỏi

Sáng nay 26/02/2023, khoá tu Ngày An Lạc lại diễn ra, một cơ hội tu học lại đến với những hành giả gần xa khi vân tập về ngôi già lam Giác Ngộ. Khoá tu sáng nay thu hút hơn 300 Phật tử tham dự, tên gọi của khoá tu cũng chính là mục đích thiết thực mà Tăng đoàn và ban tổ chức khóa tu hướng đến - mang đến sự an lạc trọn vẹn cho những pháp tử hữu duyên khi tìm về mái chùa thân quen thực hiện một thời khoá tinh tấn. Trong khoá tu sáng nay, hơn 300 Phật tử đã được lắng nghe những chia sẻ có giá trị của Phật tử Giác Thanh Nhã, Phó Chủ tịch Quỹ Đạo Phật Ngày Nay về cảm hứng xuất gia gieo duyên trên đất Phật của cô qua talkshow cùng tên. Được biết, trong chuyến hành hương các Phật tích Ấn Độ từ ngày 08 đến 19/02 vừa rồi, cùng với 37 đạo hữu khác, Phật tử Giác Thanh Nhã đã phát nguyện phủi tóc xanh, thọ nhận giới cấm, xuất gia đoản kỳ ngay trên đất Phật. Đây cũng không phải là lần đầu tiên cô thực hiện ý nguyện thiêng liêng này.

Chia sẻ với các hành giả khoá tu. Phật tử Giác Thanh Nhã cho biết cô đã may mắn có 04 lần đặt chân đến Đất Phật thiêng liêng qua các năm 2010, 2015, 2022 và 2023. Đặc biệt, với nhân duyên thù thắng và chí nguyện thiết tha, trong lần đi gần nhất, cô cùng 37 Phật tử tín thành đã được thế phát gieo duyên đoản kỳ - nghi thức thế phát được diễn ra lần đầu tiên của chùa Giác Ngộ dưới cội bồ đề mầu nhiệm. Phật tử Giác Thanh Nhã cũng cho biết, cô đã bắt đầu gieo trồng chủng tử giác ngộ giải thoát từ đêm trừ tịch năm 2016 tại chùa Giác Ngộ. Kể từ đây, niềm phát tâm phụng sự cho chánh Pháp, phụng sự nhân sinh trong cô ngày càng thêm dũng mãnh. Lần thứ hai cô thế phát cũng tại mái già lam Giác Ngộ thân quen sau khi chùa được trùng tu và tổ chức thường xuyên nhiều khoá tu cho các hành giả.

Nhắc lại những năm tháng chưa được tiếp cận với Đạo Phật, cũng như bao người, Phật tử Giác Thanh Nhã cũng mong muốn có một đời sống đầy đủ, vừa để lo cho gia đình, vừa để phụng sự cộng đồng, làng xã. Với truyền thống của gia đình, cô đã luôn nêu cao tinh thần nhân ái, không ngừng vun bồi tình thương với nhiều mảnh đời không may gặp nhiều nghịch cảnh. Kể về con đường đi đến với Đạo Phật, cô nhớ lại lời vàng của Đức Thế Tôn "Nhân thân nan đắc" - lời dạy thức tỉnh mà cô đã tìm thấy sau những lần viếng chùa. Năm 2011, sau khi xem qua bài pháp thoại "Oai nghi người tu" của TT. Thích Nhật Từ, Phật tử Giác Thanh Nhã như bừng sáng tâm thức, xuất tỏ mong muốn cầu học với vị giảng sư. Đến năm 2012, cô cùng quý quyến đã tìm đến chùa Giác Ngộ, gặp vị minh sư khả kính và xin nhận Thầy là người thầy tâm linh của đời mình.

Phật tử Thanh Nhã cho rằng, có được một mái chùa để nương tựa, có được một bậc thầy để chỉ đường chính là một may mắn mà trong đời cô có được. "Phủi tóc mà không phủi tâm thì không có ý nghĩa gì trên con đường học đạo", đây cũng chính là chia sẻ mà cô gửi đến quý hành giả tham gia khoá tu sáng nay. Chia sẻ về ước mơ lớn nhất của đời mình, Phật tử Thanh Nhã bộc bạch, cô chỉ mong được sống trọn vẹn trong chánh pháp mầu nhiệm của Đức Như Lai, và gieo mầm giáo lý của Người đến muôn nơi, khắp nẻo. Đó cũng là lời phát nguyện của cô Cũng nhân buổi chia sẻ này, Phật tử Giác Thanh Nhã khuyến khích các pháp hữu nếu hội đủ các điều kiện thì nên cống hiến cho xã hội từ những điều nhỏ nhất, như làm các thiện sự, hiến các mô tạng, hiến xác sau khi qua đời,... Những việc làm ấy chính là cách thể hiện cụ thể nhất sự xả bỏ của tự thân khi hiểu sâu Pháp lành của Đức Phật.

Do bận công tác Phật sự tại Hà Tĩnh, TT. Thích Nhật Từ không có mặt tại buổi giao lưu. Song, Thượng tọa cũng đã có những chia sẻ được chuyển tiếp về dành cho người học trò thuần thành suốt một thập niên qua của mình, bao gồm: Thứ nhất, cơ duyên xuất gia gieo duyên tại Bồ đề Đạo tràng của Phật tử Thanh Nhã là vô cùng ý nghĩa khi lần đầu tiên sau gần 20 năm, chính thức có lần thế phát gieo duyên đầu tiên ngay trên Đất Phật nhiệm mầu. Thứ hai, sau nhiều năm phụng sự Đạo pháp, Phật tử Thanh Nhã đã trở thành "con chim đầu đàn" dẫn dắt các quyến thuộc bồ đề trên con đường tu nhân học Phật. Thứ ba, những hệ giá trị sống mà Phật tử Giác Thanh Nhã tạo ra thông qua những gì cô làm chính là một biểu chứng cụ thể về tinh thần hộ pháp. Đó cũng là tấm gương cho nhiều pháp hữu khác noi theo.

Ảnh: Minh Đức. Tin: Quang Tròn

Phật tử giác Thanh Nhã - tấm gương phụng sự đạo pháp không mệt mỏi Phật tử giác Thanh Nhã - tấm gương phụng sự đạo pháp không mệt mỏi Phật tử giác Thanh Nhã - tấm gương phụng sự đạo pháp không mệt mỏi Phật tử giác Thanh Nhã - tấm gương phụng sự đạo pháp không mệt mỏi Phật tử giác Thanh Nhã - tấm gương phụng sự đạo pháp không mệt mỏi Phật tử giác Thanh Nhã - tấm gương phụng sự đạo pháp không mệt mỏi
Bình luận