CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ: Khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật lần thứ 11

Có một ngưỡng cửa, nơi mà mỗi sáng, chúng ta từ trong đi ra ngoài để học tập và làm việc. Đến chiều tối, ta trở về mái ấm gia đình, cũng đi ngang qua ngưỡng cửa đó. Tuổi thanh xuân là ngưỡng cửa của cả một kiếp người. Cho nên, trang bị về tinh thần, mà đỉnh cao nhất là đạo đức tâm linh để có được một ngưỡng cửa  hạnh phúc là điều rất cần thiết. Nơi ấy, cứ mỗi ngày chủ nhật hàng tuần sẽ trang bị cho bạn những kỹ năng, những gương sáng để học tập, chiêm nghiệm tưới tẩm cho nguồn đạo đức, niềm tin của bạn được chăm sóc và tăng trưởng.

Khóa tu "Tuổi trẻ hướng Phật" lần thứ 11: 9-04-2017(13-03 Đinh Dậu) tại chùa Giác Ngộ TP. HCM đã hân hoan chào đón hơn 600 bạn trẻ  đã có mặt tại đây.

Chương trình pháp thoại

Đây là lần thứ hai, các bạn trẻ có được cơ duyên phước báu cung đón TT. TS. Thích Thiện Minh, Ủy viên hội đồng Trị sự, Phó Ban Từ thiện TƯ GHPGVN, Trụ trì Chùa Bửu Quang- Q.Thủ Đức. Thượng tọa đã tốt nghiệp tiến sĩ Giáo dục quản trị tại Anh quốc. Thầy cũng là một nhà nghiên cứu tầm cỡ với hơn 60 tác phẩm sáng tác, biên dịch về Phật giáo.


Trước khi vào buổi pháp thoại, Thượng tọa đã chia sẻ tâm sự khi đến với sinh viên, học sinh là một nguồn lực tốt và cũng là một cơ hội để trao truyền lại những kinh nghiệm  mà Thượng tọa đã trải qua. ‘’Chánh niệm và tỉnh thức trong đời sống hàng ngày’’ là chủ đề bài pháp thoại mà Thượng tọa đã trao truyền cho các tu sinh trong khóa tu ‘’Tuổi trẻ hướng Phật’’ lần thứ 11.

Chánh niệm và tỉnh thức là hai thuật ngữ khá cao cấp trong Phật giáo nói về pháp hành thiền. Chánh niệm là phải nhớ ghi nhận hay biết tất cả các cử chỉ đều phải có tập trung không có sự phân tán. Chánh niệm tỉnh giác là phải định hướng đúng … Với những kinh nghiệm tu học và vốn kiến thức nền tảng khá đồ sộ về truyền thống Phật giáo Nguyên thủy của Thượng tọa, Thầy đã phân tích 4 nội dung: i) Nói đúng-Không nói láo với chính mình, với cha mẹ, với những người xung quanh; ii) Ăn đúng-  Phải biết ăn cái gì và uống cái gì; iii) Làm đúng- Học đúng, làm đúng, tu đúng; iv) Hiếu kính- Hiếu kính với cha mẹ.

Theo Thượng tọa: là người tu học Phật trẻ mà nói láo thì xem như hỏng, người tu học Phật trẻ mà quên công lao cha mẹ xem như hỏng. Mỗi người phải tập tu, tập học và tiến bộ của mình bằng sự chánh niệm và tỉnh giác. Người sống trong chánh niệm và tỉnh giác xem như hai phép lạ giúp cho các bạn thành đạt và an lạc trong cuộc sống.

Trong phần nội dung hiếu kính, Thượng tọa đã gửi một  thông điệp thông qua câu hỏi hơi nhạy cảm nhưng đó là một thông điệp gửi tới các bạn trẻ  rằng: chúng ta có tấm thân này là cực kỳ quí giá nên không vì một lý do nào đó mà hủy hoại thân mình. Lúc đầu mình đã là khỏe nhất, chạy nhanh nhất, hay nhất, chiến thắng trước cả triệu con…để chúng ta có mặt ngày hôm nay thì bây giờ không vì bất cứ lý do gì mà hủy hoại thân xác này. Buổi ban đầu mình đã chiến thắng,  bây giờ đừng bao giờ gục ngã. Dù cho khó khăn trở ngại cỡ nào, cũng phải đi cho nhanh, thành đạt cho sớm, chứ không thể nào tuổi trẻ nông nổi, bị động, lười biếng, cực đoan, tiêu cực, trầm cảm, tự tử thì không thể nào chấp nhận… Vũ khí của chúng ta  là nhẫn nhục và khiêm tốn, không bao giờ lùi bước. Càng thất bại thì khi thành công mới có ý nghĩa. 

Buổi pháp thoại được kết thúc bằng phần trả lời câu hỏi của các tu sinh dí dỏm và rất lý thú của Thượng tọa.

Chương trình chia sẻ chuyên đề

Đây là lần thư hai các tu sinh lại được gặp gỡ tiến sĩ Bùi Hữu Dược- Vụ trưởng Vụ Phật giáo- Ban Tôn giáo chính phủ. Ông là nhà chính trị, nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà hùng biện tài ba. Đặc biệt ông là người có nhiều tâm huyết với tương lai Phật giáo nước  nhà nhất là thế hệ trẻ với Phật giáo.

 

 

"Phật giáo với tuổi trẻ’’  chủ đề mà ông giao lưu với các bạn tu sinh. Hai câu hỏi được Vụ trưởng đặt ra: 1- Tu là gì; 2- Trong thời điểm hiện nay và về sau, Thanh niên tới chùa tu cần học cái gì là cốt yếu?  Đây cũng là hai nội dung chính của chủ đề trên.

Với phong cách là một nhà hùng biện tài ba, ông đã tìm ra  những bạn trẻ có câu trả lời hay nhất, đầy đủ nhất  câu hỏi trên và cuối cùng ai cũng nhận diện được cho mình tu là gì.

Theo ông: tu trong tôn giáo nói chung và tu trong Phật giáo không đi ngược lại với cuộc sống đời thường của con người.  Tu chính là quá trình điều chỉnh mình và dẫn dắt mọi người đi theo hướng tốt đẹp hơn. Nghĩa thứ hai của tu là chỉnh: chỉnh cho ngoại hình đẹp, chỉnh cho tâm trong sáng bằng cách tu tâm đó là con đường tu quan trọng nhất. Tu Phật  thì lại cao hơn đó là quá trình điều chỉnh để mỗi con người từ chỗ chưa hoàn thiện thành hoàn thiện nhưng đồng thời thông qua sự hoàn thiện mình để hoàn thiện xã hội.

Trả lời cho nội dung thứ hai: Thanh niên tới chùa học cái gì? Theo ông đó là 4 cốt yếu: i) Học sự nghiêm túc trong giới luật( nội qui, qui đinh); ii) Học sự cần cù siêng năng; iii) Học tính khiêm cung; iv) Tinh tấn tu học.

Phần cuối của buổi giao lưu ông đã tâm sự rằng quê ông cũng có một ngôi chùa nhưng đã bị phá từ 1958, cho đến bây giờ vẫn chưa xây lại được, trong khi ông đi vận động xây hàng trăm ngôi chùa trên khắp đất nước mà quê mình thì không vận động nổi. Năm  38 tuổi ông mới biết đến chùa trong khi các bạn trẻ giờ rất may mắn đã được đến chùa từ khi còn rất trẻ. Các bạn đã rất hạnh phúc !

Chào nhau bằng tâm Phật, ứng xử với nhau bằng niềm tin Phật và giúp đời bằng trí tuệ Phật thì hình như chúng ta đã gặp nhau, nhìn nhau, nghe nhau nói ở chùa Giác Ngộ. Đây là trung tâm của việc giáo dục người, một trung tâm có ý nghĩa trong việc giáo dục đạo đức, nối sống cho thanh niên nhưng cũng thông qua đó để giáo dục đạo đức lối sống trong xã hội. Ông cũng mong các bạn trẻ phát huy vai trò là Phật tử chùa Giác Ngộ mà thầy Trụ trì và đặc biệt là Phật giáo đã mang lại. Đó là lời chào và cũng là điều ông kỳ vọng ở các bạn trẻ và ở ngôi chùa Giác Ngộ.

Chương trình thiền tập

Các tu sinh đã được hai vị ĐĐ. Thích Nguyên Trung, Thích Quảng Tín và các Chú tiểu trong Tăng đoàn chùa Giác Ngộ hướng dẫn cùng thực tập thiền buông thư để thân và tâm được thư dãn trước khi cho chương trình tu học buổi chiều.

Chương trình học Phật pháp

Trong buổi học Phật pháp, các bạn trẻ tiếp tục được ĐĐ. Thích Minh Thạnh, Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình hướng dẫn. Trả bài và ôn lại bài cũ để các tu sinh thẩm thấu dần với  ba nội dung chính: i) Định nghĩa về đạo Phật ; ii) Người khai sáng đạo Phật; iii) Giáo lý của đạo Phật trong chủ đề: ‘’Giới thiệu về đạo Phật’ đã học trong kỳ trước.

Chương trình ‘’Gương sáng’’

Đến với các bạn trẻ trong chương trình ‘’Gương Sáng’’ lần này chính là ThS. Tô Nguyên Châu- Giảng viên bộ môn Tin Học, trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Thầy đã hoàn thành 2 bằng Đại học và Thạc sĩ. Thầy Nguyên Châu còn được Microsoft bảo trợ cho dự án tin học cho người khiếm thị.

 

 

Có lẽ trong các video clip về gương sáng thì đây là một video clip từ hình ảnh, đến lời bình, nhạc nền và giọng người truyền tải đã làm nên một video clip làm xúc động lòng người.

Sinh ra và lớn lên cũng như bao trẻ thơ khác với hình hài đầy đủ, có cả cha và mẹ nhưng biến cố năm 10-11 tuổi thì thị lực mờ dần, nhưng  khi cha mẹ biết được thì đã quá trễ.  Mặc dù được cha mẹ hết mực thương yêu chạy chữa nhưng đôi mắt cậu bé Nguyên Châu ngày ấy ngày càng mờ hẳn và không còn nhìn thấy gì nữa.

Cậu bé Nguyên Châu  bắt đầu tới trường cùng với các bạn đồng cảnh ngộ đó là ngôi trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và chỉ sau một năm, Thầy đã nỗ lực để quay về trường học dành cho các học sinh sáng mắt, trường Hoàng Văn Thụ.

Trong các kỳ thi Thầy luôn có thành thích đứng đầu toàn trường suốt 3 năm học Trung học phổ thông tại trường Nguyễn Văn Linh. Với thành tích học tập xuất sắc Thầy đã được tuyển thẳng vào trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Đặc biệt, thầy giáo còn là một kỳ thủ trong bộ môn cờ Vua, với thành tích đáng nể, Thầy  đã đạt nhiều huy chương vàng về cờ Vua cho người khiếm thị.

Tin học là một bộ môn khó ngay với cả người sáng mắt thế màThầy còn là một giảng viên trong bộ môn tin học. Với một đam mê đặc biệt về tin học, Thầy đã trở thành  nhà giáo giảng dạy cho các em khiếm thị. Ngoài ra Thầy còn sửa được máy tính, cài đặt chương trình trên máy tính cho người khiếm thị. Ngay trong chương trình, các tu sinh còn được Thầy  thao tác trực tiếp trên máy tính để giải đáp những thắc mắc của MC. Xuân Hiếu và các bạn tu sinh.

Thầy là 1 trong 10 giảng viên được dự án đưa tin học được tiếp cận với người khiếm thị do Microsoft bảo trợ.

Không có nơi nào đáng tin cậy bằng cha mẹ của mình, nếu mọi người có những khó khăn, trở ngại, vấp ngã  gì trong cuộc sống thì các bạn hãy tìm về với cha mẹ của mình. Đó là lời nhắn nhủ của thầy giáo Nguyên Trung cho các bạn trẻ.

Thông qua chương trình này, mong muốn và cũng là tâm huyết của Thầy giáo Nguyên Châu cho dự án tiếp cận dạy tin học cho người khiếm thị không chỉ riêng cho TP. HCM mà cho nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Bài học mà các bạn trẻ rút ra từ tấm gương sáng này là: tình yêu thương của cha mẹ, những nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh và luôn luôn nhìn sự việc theo hướng tích cực thì dẫu có trở ngại khó khăn đến đâu cũng sẽ thành công như nhà giáo Nguyên Châu, một người thầy mang tri thức đến với những người khiếm thị.

Ngoài các chương trình chính, các tu sinh còn được Ban tổ chức và hai MC. ĐĐ. Thích Minh Thạnh, Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, Ban nhạc  trẻ cùng nhóm ‘’Vũ công mẫu’’ là phụng sự viên hướng dẫn cho gần 600 ‘’Vũ công nghiệp dư’’ là tu sinh trên nền nhạc Hôm nay ta về đây, Gia đình nhỏ hạnh phúc to  và vỗ tay theo 4 nhịp điệu khác nhau đã làm cho khoá tu vô cùng sinh động, hấp dẫn quá đỗi tuyệt vời mang đầy sinh khí tuổi trẻ.

Thật không uổng phí một ngày trở về ngôi chùa Giác Ngộ thân yêu để tu học !

Xin tạm biệt và rất mong được gặp lại các bạn trẻ vào khóa tu ‘Tuổi trẻ Hướng Phật’  Kỳ 12: 07-05-2017(12-04 Đinh Dậu);Khóa tu ‘Ngày an lạc’ Kỳ17: 16-04-2017(20-03 Đinh Dậu); Khóa tu Thiền Kỳ 23-04-2017(27-03 Đinh Dậu)

Bình luận