CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Lắng nghe và trị liệu khổ đau theo tinh thần Phật học

Chiều ngày 17/07/2022, trong Khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật, tại Chùa Giác Ngộ, TT. Thích Nhật Từ đã chia sẻ bài pháp thoại sâu sắc với chủ đề: "Lắng nghe và trị liệu" dựa trên công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm nhân ngày tưởng niệm Ngài thành đạo.


Để tránh sự ngộ nhận và hiểu sai về ý nghĩa của hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, Thượng tọa đã gửi đến đại chúng một số thông tin đúng đắn và chính xác hơn về Ngài. Bồ tát Quan Âm không phải là nhân vật lịch sử có thật trên quả địa cầu này, mà là một vị Bồ-tát đến từ hành tinh khác. Các ngày tưởng niệm Ngài dựa vào những ngày đản sanh, xuất gia và nhập Niết bàn của các vị cao Tăng Trung Hoa, những vị được xem là hóa thân thị hiện của Ngài. Bên cạnh đó, trong tư tưởng của Phật giáo Đại Thừa, các vị Bồ-tát luôn là người nam. Tuy nhiên, khi du nhập sang Trung Hoa, hình tượng của Bồ-tát Quan Âm đã được nữ tính hóa để phù hợp với xã hội mang tính mẫu hệ tại Trung Hoa, Việt Nam, nam bắc Triều Tiên,... ở Đông phương. Bên cạnh đó, điều này giúp cho hạnh nguyện từ bi của Bồ tát Quan Âm được dễ dàng tiếp thu và ứng dụng hơn trong quần chúng nhân dân.

Ngoài ra, các câu chuyện dân gian về hóa thân của Quan Thế Âm Bồ-tát như Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính vốn chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng. Chính vì vậy, để áp dụng cho đúng lời Phật dạy hoặc noi theo công hạnh từ bi hóa độ nhân sinh của Bồ-tát Quán Âm, thì người tu học Phật cần nghiên cứu, học tập và hành trì theo đúng tinh thần của kinh sách có nguồn gốc rõ ràng, độ tin cậy về khoa học cao; chớ nên quá lệ thuộc vào nền văn học dân gian, văn học truyền miệng vì độ sai lệch, tưởng tượng, biên tập rất nhiều. Mà khi dựa vào thông tin sai thì niềm tin sẽ sai, dẫn đến sự hành trì sai, chẳng những không đạt được lợi lạc mà còn mang đến những hậu quả vô cùng tiêu cực.

Ở phần hai của buổi pháp thoại. Thượng tọa phân tích sự lắng nghe dưới góc độ tâm lý học hiện đại và Phật học để các hành giả có cái nhìn đúng đắn, khách quan và cụ thể hơn về sự lắng nghe. Từ đó, chúng ta có thể chọn lựa cho mình cách lắng nghe đúng pháp và có giá trị hữu ích hơn. Trong tâm lý học hiện đại, sự lắng nghe vừa là nghệ thuật, vừa là một nghề nghiệp mà chi phí để trả cho một giờ sử dụng có khi lên đến 200 USD. Các bác sĩ sẽ lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau của người bệnh nhân đang có nhu cầu muốn được bộc lộ, giải tỏa, trình bày. Bởi vì dường như không có ai, dù là người thân thuộc có thể lắng nghe và thấu hiểu, cảm thông được những nỗi lòng của họ. Đây không phải là giải pháp đích thực để chuyển hóa và diệt trừ triệt để khổ đau. Bởi khổ đau của những bệnh nhân này chỉ phần nào được vỗ về, xuýt xoa, trấn an, o bế mà thôi. Do đó, họ không thể truy tìm ra được căn nguyên, cội gốc của khổ đau và chọn lựa phương pháp giải quyết đúng đắn cho mình. Việc đó chỉ vô tình khiến cho nỗi đau của con người ngày càng trở nên cường điệu hóa; ngã chấp ngày một to lớn hơn, khổng lồ hơn.

Muốn chuyển hóa và diệt trừ khổ đau, thì chúng ta phải ứng dụng các nguyên tắc quán chiếu theo tinh thần Phật học. Đầu tiên, đó là dù lắng nghe chăm chú, thể hiện sự hiểu biết, không phán đoán; nhưng người được nghe phải chủ động không cho đương sự được kể chuyện lê thê, lan man, dài dòng. Vì như thế là càng gây hại nhiều cho người đang bị khổ đau. Khi đó, người ấy sẽ bị cụt hứng, thất vọng và từ chối sự tiếp nhận hay sự điều trị của chúng ta; thì mình cũng đành chịu. Ngoài ra, khi lắng nghe người khác, chúng ta phải bắt họ cam kết gặp mặt trực tiếp mình để họ cảm thấy được trân trọng hơn và sự lắng nghe được kết nối nhiều hơn.

Trong quá trình trao đổi, mình cần đặt đúng câu hỏi và hướng dẫn họ tập trung trình bày các mấu chốt, nguyên nhân chính dẫn đến các nỗi khổ, niềm đau để có được giải pháp thích hợp. Bên cạnh đó, người thân cũng cần có mặt để cùng lắng nghe, cảm thông và chung tay góp sức với bác sĩ hay người trị liệu giúp cho đương sự tìm ra giải pháp thông minh, đúng đắn và chân chính cho việc điều trị khổ đau. Chúng ta phải giúp họ vượt qua sự mặc cảm, sự tự ti, các rào cản tâm lý để vực dậy tinh thần, bước ra khỏi vũng lầy phiền não.

Giải pháp chân chính mà đạo Phật hướng đến chính là sự cởi trói tâm khỏi các trạng thái tâm lý, cảm xúc tiêu cực như ham muốn, giận dữ, hận thù, mặc cảm, chấp ngã, chán chường,... Ngoài ra, chúng ta khuyên họ nên áp dụng một số biện pháp hỗ trợ tâm linh, tâm lý hữu ích khác như: đọc một thời kinh; ngồi thiền (nếu không bị trầm cảm); tự kỷ ám thị (tự nhủ và tự động viên bản thân phải suy nghĩ lạc quan, tích cực, yêu đời hơn); thay đổi các đối tượng tiêu cực đang chấp víu bằng các đối tượng tươi sáng, tốt đẹp hơn,... Từ đó, việc áp dụng sự lắng nghe và trị liệu theo tinh thần Phật học mới giúp cho con người dễ dàng chuyển hóa và tận diệt được các nỗi khổ, niềm đau theo phương pháp và giải pháp đúng đắn, khoa học và thiết thực hơn.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thanh Phong

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận