CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ: Xúc động ngày kết thúc khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên lần thứ nhất

Ngày thứ 7 của khóa tu “Xuất gia gieo duyên” lần thứ nhất 9/8/2016 (nhằm ngày7/7/2016 AL), cũng là ngày cuối cùng của khóa tu đang được diễn ra tại chùa Giác Ngộ.

Chương trình buổi sáng

TT. Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ, trưởng Ban tổ chức khóa tu đã dành trọn thời gian buổi sáng cho các Sa-di, Sa-di-ni và những giới tử tiếp nhận Bát quan trai giới với những chia sẻ đôi điều liên hệ đến: Chánh niệm, oai nghi, cảnh sách, tâm hành và đạo hạnh của người cao cả. Nhằm cho những người tham gia khóa tu hiểu thấu đáo thêm hạnh của người xuất gia mà sau khi các giới tử đã được nghe 8 bài giảng của các giảng sư nổi tiếng giảng về các chủ đề trên trong 6 ngày vừa qua.

Khái niệm “người cao cả” mà phần lớn người xuất gia cần phải đạt được và có một số ít người tại gia cũng đạt được tương tự. Cho nên, nó không bị vướng kẹt vào phân loại thành ngữ xuất gia hay tại gia, làm được những điều như bài pháp thoại này thì được gọi chung là người cao cả. Để thực tập và trở thành”người cao cả”,Thượng tọa đã phân tích tóm tắt các điều mà người xuất gia cần phải lưu tâm các vấn đề sau: i) Chánh niệm qua các oai nghi; ii) Oai nghi của người cao cả; iii) Từ chấp thủ ngã đến chấp phi ngã.

Đó cũng là 3 điều mà các giới tử đã thực tập trong 7 ngày qua, đó là chánh niệm, oai nghi, hạnh cao cả vượt qua chấp vào cái tôi, cái tôi tự ngã, cái tôi sở hữu và nhiều đức tính cao quý khác.

Phần vấn đáp

Biết được tâm lý của các giới tử trong suốt 7 ngày qua chắc chắn sẽ có rất nhiều điều cần hỏi và được Sư phụ trả lời. Vấn đáp, vốn cũng là một thế rất mạnh của TT.Thích Nhật Từ, có lẽ Thầy cũng là một trong những giảng sư có nhiều bài giảng vấn đáp nhất hiện nay, chính vì thế mà trong chương trình khóa tu sáng nay, Thầy đã dành một nửa thời gian để trả lời các câu hỏi của các Sa-di và Sa-di-ni đặt ra liên quan đến các chủ đề: Tại sao thời nay không thấy có vị tu sĩ nào được chứng đắc đạo quả? 7 ngày tu vừa qua có phải là phiên bản gần nhất của một vị tu sĩ đang tu học tại chùa Giác Ngộ? Để trở thành một vị tu sĩ xuất gia phải chuẩn bị những gì? Câu nói:”Đời ngũ trược ác thế, mạng sống của con người cứ giảm dần, cứ 100 năm giảm 1 tuổi thọ cho đến ngày đức Phật Di Lặc ra đời”, câu nói đó của đức Phật hay là của vị Tổ? Sa-di-ni có được ở trong chùa Tăng (vì người muốn xuất gia thường tìm tới những vị thầy trụ trì phù hợp với mình) Vậy Thầy có nhận không?

Mặc dù chỉ có 8 cánh tay giơ lên trực tiếp tại giảng đường và tập câu hỏi được viết ra gửi cho Ban tổ chức từ sáng, nhưng Thượng tọa cũng đã quá thời gian trả lời. Bởi theo Thầy: Thầy phải trả lời cặn kẽ, chi tiết có đầu có đuôi như thế để cho mọi người hiểu.Thế nên, ai đó có nghe thì cũng nên nghe cho trọn vẹn.

Xả giới kết thúc khóa tu

Đến tham dự lễ xả giới chiều nay có TT. Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ, trưởng Ban tổ chức khóa tu, TT. Thích Nhật Bình, Phó trụ trì, cùng chư Tôn đức Tăng đoàn chùa Giác Ngộ. TT. Thích Nhật Từ đã hướng dẫn cho các giới tử làm nghi lễ xả 6 giới/ 10 giới không thuộc về người xuất gia đó là: Điều đạo đức thứ 3-chung thủy một vợ một chồng; Điều đạo đức thứ 6-gồm trang sức phẩm và mỹ phẩm; Điều đạo đức thứ 7–gồm các trò giải trí thế gian; Điều đạo đức thứ 8-từ bỏ thói sống sang trọng và xa hoa; Điều đạo đức thứ 9-ăn trường chay và ăn trái giờ; Điều đạo đức thứ 10-gồm tích trữ tiền bạc và tài sản.

Sau khi tuyên đọc 6 điều xả giới và xả Y, vì chiếc Y là biểu tượng phước tướng của người xuất gia và ruộng phước để cho người tại gia dâng cúng và gieo trồng thì bắt đầu từ giờ phút này trở đi các giới tử đã là người tại gia.

Bài sám nguyện và phát bằng chứng nhận cũng là khép lại phần nghi lễ xả giới cho các giới tử tham gia khóa tu “Xuất gia gieo duyên” lần thứ nhất tại chùa Giác Ngộ.

Chương trình giao lưu và kết thúc

Chương trình giao lưu kết thúc được dẫn dắt bởi 2 thầy Đại đức MC quen thuộc trong suốt khóa tu là hai thầy Ngộ Phương và Quảng Tín.

Mở đầu là Ban nhạc Diệu âm chùa Giác Ngộ với những bài đạo ca mà mỗi khi ai nghe được từng câu, từng chữ đều mang đến cho người nghe, người ca: an lạc, vui tươi, lạc quan, yêu đời, hạnh phúc ngập tràn.

Thật tuyệt vời! Quá tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời!

Những người không quen phát biểu trước đám đông, những người nghĩ trong đầu rất hay, nhưng viết thành văn, làm thơ không được thì chỉ biết nói thế và trên đôi mắt họ là những giọt nước mắt sung sướng, niềm hoan hỷ rạng ngời trên khuôn mặt họ.

Ai cũng khẳng định rằng: Ban nhạc Diệu âm chùa Giác Ngộ hôm nay ca hay nhất trong mọi lần ca, sao cô Diệu Trung, sao chú Bộ hôm nay ca hay đến thế. Những ai đã bồi hồi, xúc động khóc khi nhớ về cha mẹ thì đó cũng là chuyện bình thường mỗi khi có ai đó nhớ về mẹ, về cha kể cả cho đến người mái tóc đã bạc phơ. Còn khóc, khóc khi mà có một việc gì đó đã chạm đến tận trái tim, khóc vì quá sung sướng khi được Bổn sư của mình dưới nước cam lồ và cạo bỏ mái tóc cho mình trước sự gia trì của đức Phật, sự chứng minh của Tam sư, của Tăng đoàn. Người ta thường nói chỉ có phụ nữ là hay mau nước mắt, ấy vậy mà Sa-di Minh Phát đã khóc nghẹn ngào khi bao năm qua đã đến biết bao ngôi chùa mà giờ đây mới tìm được ngôi chùa đúng với tâm nguyện của mình và mong ước trở thành người xuất gia trọn đời sau khi hoàn tất trách nhiệm với gia đình khi con đến tuổi 18.

Bài thơ của Sa-di Ngộ Trí Văn “Con đi học hạnh xuất gia” được Sư phụ chấm tới 9 điểm, vì bài thơ rất chuẩn về câu chữ và bám sát chủ đề, Thầy cũng ví vị Sa-di này là một nhà Thơ “Bùi Giáng trẻ”. Bài viết của Sa-di-ni Phương Hoa đến từ Hà Nội, bài cảm xúc của Sa-di-ni Diệu Hồng, Sa-di Lê Quốc Bảo, Sa-di-ni Diệu Huệ, Sa-di-ni Thanh Tâm, Minh Nghĩa là một trong những số bài được tuyển chọn viết cảm xúc hay nhất trong số trên 50 bài được gửi về cho Ban tổ chức.

Sa-di-ni Như Ngọc thì nói cảm xúc của mình bằng hai bài ca do chính cô sáng tác, được ca cùng với hai chú Sa-di, đây là một gia đình có 3 người đi xuất gia gieo duyên và một người đã đi xuất gia trọn vẹn trước đó.

Phật Tử Giác Thanh Hà đại diện cho giới tử thọ Bát quan trai, với những phát biểu rất ấn tượng về khóa tu, từ chương trình, nội dung, từ khâu tổ chức, đến việc chuẩn bị rất chu đáo cho khóa tu: đến chùa có bữa ăn miễn phí, nơi ở miễn phí, giảng bài miễn phí, hướng dẫn thực tập thiền miễn phí, nụ cười miễn phí và tình thương miễn phí; sau khi thọ nhận những điều miễn phí này thì cô càng muốn cống hiến đóng góp những gì cô có, từ việc hiến máu hiến xác đến việc đóng góp công sức tiền bạc thời gian trí tuệ để phụng sự Tam bảo. Đây cũng là lần thứ hai cô tham gia khóa tu xuất gia gieo duyên tiếp nhận giới Bát quan trai nhưng đã để lại cho cô một ấn tượng hơn cả lần cô đã được Tăng thống Myanmar xuống tóc trong lần xuất gia gieo duyên trước đó.

TT. Thích Nhật Từ trưởng Ban tổ chức khoa tu đã có 4 điều nhắc nhở các Phật tử sau khi trở về với tại gia. Đây cũng là phát biểu cuối cùng của Thượng tọa đã khép lại 7 ngày tu học trong chương trình khóa tu “Xuất gia gieo duyên” lần thứ nhất, đó là:

i) Sau khi trở về với đời sống người tại gia phải có tính trách nhiệm hơn, thay đổi những thói hư tật xấu, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ nhiều hơn, hữu dụng hơn và làm cho gia đình hạnh phúc hơn. ii) Hãy tu học tinh tấn hơn để tăng trưởng về trí tuệ, bằng cách này, chúng ta hiểu về đạo Phật sâu sắc hơn để trở thành con người mới, mang lại nhiều lợi lạc cho tha nhân. iii) Thay đổi về lối sống, lối ứng xử, trong giao tế với tâm cao thượng hơn, bao dung hơn, thương yêu hơn, chăm sóc hơn đến với đối tác, cộng sự, nhân viên… những người có cơ hội làm việc cùng với chúng ta cảm thấy được hạnh phúc...iv) Mỗi Phật tử xuất gia gieo duyên cần cam kết từ nay về sau: ngoài các chương trình tu học tại chùa sẽ là một cư sĩ hoằng pháp viên với người thân, làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên của mình… Bằng cách đó ta thấy 7 ngày ngưng mọi công việc, làm giầu, học hành, công việc xã hội, công việc gia đình, không uổng ích, đừng làm uổng phí những gì mà chúng ta đã được học như câu ngạn ngữ phương Tây có câu: “Không có miếng cơm nào là miễn phí”. Vì vậy, đừng để cho những ngày xuất gia gieo duyên đó trở thành là uổng phí. Kể từ ngày hôm nay trở đi, chúng ta hãy nỗ lực làm cho nó trở thành những giá trị mới, có giá trị mới, làm cho những người xung quanh chúng ta sẽ rất hoan hỷ với đạo Phật và những người xuất gia chân chính.

Cảm xúc của một số Phật tử

Gần 160 con người đến từ khắp mọi miền đất nước từ Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Trị, Bình Thuận… đến tận mũi Cà Mau với đủ mọi ngành nghề trong xã hội từ doanh nhân, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, luật sư, nhân viên văn phòng, người về hưu, nội trợ và thật đặc biệt có 2 vị hiện đang tại chức trong quân đội, mang hàm thiếu tá và trung tá cũng có mặt tham dự trong khóa tu này. Một điều đặc biệt nữa là có tới 9 nhóm cả gia đình đi tham dự khóa tu.

Mời các bạn hãy nghe những cảm nhận được phát biểu trong những buổi tối sinh hoạt các Chúng do hai Thầy MC Ngộ Phương và Quảng Đức dẫn dắt.

Sa-di-ni Diệu Thủy đã nghẹn ngào: “Nhà em chỉ cách chùa có 7 phút thôi, trong khi em đã đi chùa bao nhiêu năm rồi. Bây giờ, học ngày nào em thấy đầu bừng sáng ngày đó”. Khi được hỏi vì sao cô biết có khóa tu này thì: “cách đây hơn một tháng, tình cờ hai vợ chồng đi qua chùa thấy chùa mới xây, thử vào xem có đẹp không thì đang thấy giảng bài, em thấy hay quá, ngồi nghe giảng luôn, bỏ chồng đứng ngoài chờ hơn tiếng” và hôm nay, mắt cô cứ đỏ hoe vì quá sung sướng. Cô bảo cứ sau mỗi buổi giảng bài là lại khóc. Thế đấy, ai bảo là nước mắt chỉ chảy khi đau buồn thôi đâu!

Còn có chuyện một Phật tử pháp danh Diệu Ngọc nhà cũng gần chùa, cô phát biểu là trong tâm cô không có nghĩ đến chùa Tăng ngay từ nhỏ, nhưng qua 5 ngày tu học cô đã xóa tan đi cái ý nghĩ đó rồi.

Cô Minh Tuyết - Diệu Huệ đến từ Hải Phòng - Dược sĩ sau khi cô nói về nhân duyên gặp được Thầy cô nghẹn ngào: “Vào đây tu học mới thấy quá thương Phật tử Hải phòng chúng con”.

Cô Diệu Đức cũng đến từ Hải Phòng là giáo viên thì: “Sao đến chùa này thấy ai cũng hoan hỷ có nụ cười tươi đến thế, mặc dù thấy các Thầy quá vất vả, ngay nơi bếp là nơi nhiều phiền não nhất, ấy thế mà con đi chùa rất nhiều, nhưng chưa thấy nơi nào mà trong bếp đông người như thế, mệt nhọc như thế mà mỗi khi xuống bếp ai cũng vui vẻ thế”. Cô còn khoe ngày nào cũng xuống bếp để được nhìn thấy nụ cười của mọi người.

Đặc biệt có hai chị em là Bộ đội mang hàm thiếu tá và trung tá Diệu Thiện, Liên Đức khi xem thông tin đến để đăng ký thì: “Chùa chưa xây xong mà cũng tổ chức khóa tu”. Ít ai ngờ rằng họ lại là những người rất chịu khó làm vệ sinh sau khi hết giờ học (21-22 giờ) đêm tu học.

Cô Diệu Hương đến từ Tiền Giang: “Thuyết pháp của Thầy đã chạm đến trái tim của con, trong một buổi vấn đáp tuổi trẻ, vì vậy con đã có mặt tại khóa tu này”.

Thầy Ngộ Phương thì kể lại rằng có cô vừa khóc vừa nói: “Con đã 8 năm nay mất ngủ thế mà mấy tối nay ngày nào con cũng ngủ ngon”.

Phật tử Nguyên Dưỡng, tiếp nhận giới Bát quan trai, sau khi được nghe các giảng sư giảng trong những ngày qua cô nói: “Con đã rất hối hận vì đã không xuống tóc ngay từ ngày đầu”.

Cô Giác Hạnh Trí mới biết đến đạo Phật có 10 tuần thôi, nhưng cô đã xuống tóc ngay, không chần chừ, không hối tiếc mà còn quá hạnh phúc.

Cô Nhật Liên thì kể về cơ duyên được xuống tóc là do được Sếp của cô cho đi làm công quả ở chùa, cô thấy thích quá vì được nghe pháp nữa thế là cô nói với Sếp và được sếp ủng hộ thế là cô quyết định xuống tóc, đó là sếp Mi Hồng của cô.

Phật tử Chúc Nghiêm thì sau khi đi chùa đã rất nhiều năm, có mặt trên từng cây số, nhưng đến đây sau khi nghe các giảng sư giảng mấy ngày qua mới biết đạo Phật nó khác biệt đến thế.

Có một Phật tử rất “nổi”, cô nổi trội không phải vì giỏi mà vì son phấn cô “trát” rất đậm như lên sân khấu, đó là Phật tử Nguyên Liên đến từ Hà Nội 47 tuổi: “Mỗi ngày con phải dành cho việc làm đẹp 15 phút, con đẹp nhờ son phấn từ khi còn rất nhỏ, đến hôm nay thì con đã buông bỏ được rồi”.

Còn cô luật sư Ngọc Mai: “15 năm làm việc chưa nghỉ phép quá 3 ngày, đến giờ con đã có mặt ở đây với 7 ngày phép”.

Hồng Loan đến từ Cần Thơ: “Con đã đi quanh, đi quẩn bao năm nay, giờ thì con thấy hối hận vì xuống tóc quá muộn”.

Ngọc Diệu đến từ Long Khánh thì cứ: “Con tiếc quá là không quyết định xuống tóc”.

Phật tử Tịnh Hòa đã rất dũng cảm khi buông bỏ mái tóc rất đẹp, được trau chuốt kỹ lưỡng như những ca sĩ, ấy thế mà cô dũng cảm cắt bỏ nhẹ tênh. Cô nói, “nếu cô không được xuống tóc mới là ân hận”.

Đến với khóa tu lần này có rất nhiều người trẻ, nam thì cạo tóc, để đầu trọc là model thời bây giờ, còn nữ trẻ mà dám vứt bỏ mái tóc óng ả, uốn bồng bềnh, hấp xả của mình để đi tu 7 ngày thì quả thật là dũng cảm. Có cô chỉ 27 tuổi, có cô mới 16 tuổi đang đi học lớp 11. Cô Liên Trinh, 27 tuổi, đến từ Đồng Tháp thì thường hay cho tóc để làm tóc giả cho những người bị ung thư, nên việc buông bỏ mái tóc đối với cô chỉ là chuyện nhỏ thôi.

Đặc biệt, trong khóa tu xuất gia gieo duyên có một Sa-di-ni xinh đẹp, “dịu dàng” có thể sánh ví như một cô ‘công chúa’, sống trong gia đình có vài trăm người làm công, đương nhiên cô công chúa chẳng phải động tay đến bất cứ công việc nội trợ mà cô chỉ dành trọn thời gian cho công việc kinh doanh của công ty. Vậy mà, ngay đến việc đùng một cái cô quyết định xuống tóc đã làm cho những người biết đến cô và gia đình đã quá đỗi ngỡ ngàng, khó tin, thế mà ngày chấp tác (lao động) phục vụ cho bếp, chẳng ai biết là cô và chị em mấy công chúa này lại làm ngon lành mà đâu phải một ngày, một buổi mà cứ rảnh lúc nào là cũng luôn sẵn sàng. Họ đã là người có quá nhiều phước báu rồi, giờ họ lại biết tu tập thì quả thật rất nể phục!

Người viết tổng hợp lại những suy nghĩ, cảm xúc của một số người, vì không thể ghi chép hết(vì người viết cũng phải dành trọn thời gian cho tu học) được những xúc cảm, tâm sự, những nhân duyên đến với Thầy Nhật Từ, đến với ngôi chùa Giác Ngộ thân yêu, nên chỉ ghi nhận được vài nét sơ sài của một vài người thế thôi. Nên rất mong mọi người hoan hỷ.

Những bài tự tay các Phật tử viết gửi cho Ban tổ chức sẽ được tuyển chọn những bài hay, Ban biên tập sẽ đăng tải trên trang Đạo Phật Ngày Nay.

Khóa tu đã khép lại, chắc chắn rằng với 97/156 Phật tử đã sống chọn vẹn 7 ngày với đời sống người tu sĩ sẽ không thể quên những giờ phút rất đẹp, rất có ý nghĩa, những trải nghiệm khó có thể phai nhạt trong tâm trí người Phật tử và nhớ thực tập 4 điều mà Sư phụ vừa căn dặn để đừng làm uổng phí 7 ngày tu và nhất là đừng làm uổng ích bao công sức của Sư phụ, của chư Tôn đức Tăng đoàn chùa Giác Ngộ, của các Phụng sự viên Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đã cúng dường cho chương trình này !

Những con người thầm lặng làm lên sự thành công của khóa tu

Có thể nói: khóa tu quá tuyệt vời, quá thành công mang lại rất nhiều lợi lạc cho các tu sinh và cho những người đã, đang và sẽ nghe những vị giảng sư giảng pháp, xem truyền hinh trực tiếp, nghe các bài pháp thoại trên trang web và các phương tiện nghe nhìn khác. Trước tiên phải có chương trình, nội dung tu học, thời khóa biểu, hậu cần, mời gọi giảng sư, MC, âm thanh, ánh sáng, người phục vụ, chạy việc vặt,v.v…

Có lẽ vất vả nhất, đổ nhiều mồ hôi nhất, là những người trực tiếp đứng bếp và cũng là nơi chịu nhiều áp lực nhất là bếp, ở đâu cũng vậy, ngay trong một gia đình cũng thế thôi, nói chi là một tập thể, ngày 3 bữa cho trên 250 người lại bị giới hạn không gian trong một khuôn viên bếp rất nhỏ bé, quá nhỏ khoảng 45m2(có muốn cũng không thể làm gì thêm được nữa, thế nên mới vất vả. Bộ phận chạy bàn, sắp cơm, rửa khay, chén bát, nước uống thì lúc nào cũng mệt nhoài, từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

Truyền thông là một bộ phận không phải ai cũng làm được, nhất là lại truyền hình trực tiếp qua facebook, đây cũng là ngôi chùa đầu tiên và duy nhất, cho đến thời điểm hiện nay, tất cả mọi chương trình của chùa và các bài giảng tại chùa đều được truyền hình trực tiếp. Lúc nào cũng phải túc trực và phải ít nhất tới 4 máy quay tại các vị trí khác nhau và cả một hệ thống truyền thông, truyền hình, làm dĩa để sao cho vào ngày cuối các Phật tử đều có hình ảnh mang về.

Hai Đại đức MC không chuyên của chương trình thì tối nào cũng sinh hoạt cùng với các Chúng, nghe các Phật tử tâm sự hết nỗi lòng, mọi khó khăn, vướng mắc, buồn, vui rồi thắc mắc, giải đáp có tối đến 23h 55 mới kết thúc.

Và còn rất nhiều những người âm thầm làm những công việc không tên khác, phục vụ cho khóa tu từ những ngày trước đó mua sắm mềm, chiếu, gối, đến cuộn giấy vệ sinh, móc áo, đến hộp thuốc đánh răng,v.v… và sau khóa tu, còn có nhiều người ở lại miệt mài thu dọn vệ sinh, giặt giũ… Tất cả đã làm nên một khóa tu xuất gia gieo duyên thành công hơn cả mong đợi. 

Ngộ Hạnh - Giác Hạnh Hoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận