CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì

Tối 25/08/2022, trong Khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên lần thứ 9, tại Chùa Giác Ngộ, TT. Thích Nhật Từ đã gửi đến 90 hành giả bài pháp thoại sâu sắc: "Giữ tâm như bảo vệ thành trì".

Bài pháp thoại hôm nay dựa trên nội dung của bài Kinh Ẩn Dụ Về Thành Trì (kinh số 33 trong Kinh Tăng Nhất A-hàm), tức kinh số 48 trong quyển "Kinh Phật cho người tại gia" do TT. Thích Nhật Từ phiên dịch và biên soạn. Bài kinh nêu lên quan điểm của đức Phật về quân sự, chính trị và từ đó liên hệ đến vấn đề tu học với các ẩn dụ vô cùng ý nghĩa và sâu sắc. Không những thế, về mặt ứng dụng bài kinh trong đời sống xã hội, mặc dù người tu hành không bàn về chính trị, nhưng sự tư vấn về chính trị của các nhà sư, dựa trên lời Phật dạy, sẽ giúp cho các nguyên thủ quốc gia biết cách quản trị đất nước tốt hơn, biết yêu nước, thương dân hơn, duy trì hòa bình và tạo dựng sự phát triển thịnh vượng, vững bền cho dân tộc. 

Trong kinh, đức Phật dạy rằng: "Này các đệ tử, thành ở biên giới muốn được bền vững, không bị địch phá, phải có đầy đủ bảy điều cần có thì luôn vững mạnh, không sợ ngoại xâm, kẻ thù phá hoại, chỉ trừ bên trong, phân chia phá hoại. Tương tự như thành, vị đệ tử nào được bảy thiện pháp, sẽ không bị ma làm lung lạc được, cũng không thể bị các điều bất thiện, phiền não nhiễm ô, cạm bẫy của đời trở ngại, ngăn cản. Từ đó, tu tập một cách miên mật, không còn tái sinh". Và khi nói về điều cần có đầu tiên, Ngài chỉ dạy như sau: "Một là vọng gác, đắp xây chắc chắn, không thể phá vỡ, bên trong an ổn, ngăn được giặc ngoài". Tương tự như thế, "Người tu học Phật có niềm tin vững, tin vào Như Lai là bậc Tuệ Giác; không theo Sa-môn hay Bà-la-môn, không thờ Thượng đế và các thần linh; tin sâu chánh pháp gồm tứ thánh đế, giải quyết khổ đau; tin vào Tăng đoàn giới hạnh thanh cao, hướng dẫn chánh pháp, thực tập hạnh phúc". Bởi hạnh phúc hay khổ đau của con người là do nghiệp báo, nhân quả chi phối, chứ không có Thượng đế, thần linh nào có thể can thiệp, ban phước giáng họa cho mình được. 

Điều hai, Phật dạy: "Hai là hào sâu, dọc theo bờ thành, kẻ giặc không dễ xâm nhập vào thành". Thành trì này tương ứng với thiện pháp thứ hai giúp cho người tu chuyển hóa, sửa chữa bản thân theo chiều hướng tích cực hơn, ấy là sự xấu hổ cá nhân. "Những điều xấu, ác, phiền não, khổ đau thì biết xấu hổ, quyết không phạm vào; lỡ đã phạm vào, quyết tâm từ bỏ. Xấu hổ cá nhân giúp ta vượt qua thói quen tiêu cực và lối sống xấu". 

"Ba là giao thông bao quanh kinh thành phải được thông thoáng, bằng phẳng, rộng rãi, nhiều phương tiện xe có thể qua lại". Do đó, về phương diện tu tập, hành giả phải biết hổ thẹn lương tâm. "Những gì xã hội chỉ trích lên án, luật pháp không cho thì quyết không làm. Thấy rõ nghiệp xấu tạo ra khổ đau, dẫn vào sinh tử, phát triển lương tâm, quyết không vướng vào, nhờ đó pháp lành ngày càng tăng trưởng". Đây là tâm hành giúp cho hành giả thức tỉnh kịp thời, nhìn nhận lại các mặt xấu của bản thân để tìm ra phương pháp cải thiện, sửa chữa, làm tốt mình hơn. Ngược lại, nếu không có gì đáng để hổ thẹn, mà đó chỉ là lời ong tiếng ve, thị phi bôi xấu của người đời, thì mình càng không phải bận tâm. Bởi miệng lưỡi chửi bới là của thế gian, việc của mình là an trú pháp lạc, giữ vững tay chèo thiện pháp để vượt qua những phong ba, bão táp của cuộc đời. 

"Bốn là tập trung bốn loại quân binh: quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ, sẵn sàng đối phó với giặc bên ngoài" sẽ giúp cho các quốc gia tăng cường khả năng phòng hộ trước các địch thủ ngoại xâm. Cũng như thế, người có trí sẽ luôn luôn đề cao việc nuôi dưỡng, duy trì thiện pháp thứ tư, đó là tinh tấn. "Siêng năng dứt sạch các điều bất thiện. Siêng năng tu tập tất cả việc lành. Siêng năng, bền chí, quyết không bỏ cuộc các lý tưởng đẹp. Quyết tâm, hướng đến tu tập an vui". Tu học Phật pháp là việc mà chúng ta mang đến những giá trị tích cực, lợi lạc, an vui, hạnh phúc cho bản thân và tha nhân, cho số đông và cộng đồng, xã hội. 

"Năm là đầy đủ các loại vũ khí, cung, tên, mâu, kích, có thể tự vệ, chế ngự ngoại xâm" sẽ giúp tăng cường sức mạnh vũ trang cho các quốc gia. Đó là hình ảnh ẩn dụ về thiện pháp thứ năm, học rộng hiểu nhiều, ở những người tu học Phật chân chánh. Đức Phật đã chỉ dạy cụ thể rằng: "Nỗ lực học rộng những điều đáng học. Ghi nhớ không quên những điều đã học. Hiểu rõ Phật pháp, toàn thiện phần đầu, toàn thiện phần giữa, toàn thiện phần cuối, có văn có nghĩa, dẫn đến thanh tịnh, an lạc, hạnh phúc. Quyết tâm học hỏi Phật pháp cao siêu. Nhiều lần học lại, tâm không thấy chán. Chuyên tâm nghiền ngẫm, hiểu sâu tận tường, nhờ đó vượt qua tất cả khổ đau". 

"Sáu là đại tướng trấn thủ kinh thành có nhiều thao lược, cơ trí sáng suốt, bản lĩnh, dũng mãnh, cương nghị, nghiêm minh; cho người lành vào, ngăn cấm kẻ xấu, giữ trong an ổn, bên ngoài bình yên". Tương tự như vậy, "Thiện pháp thứ sáu, thực tập chánh niệm. Những điều Phật pháp đã được học qua, nhớ rõ không quên. Giữ gìn chánh niệm, làm chủ giác quan; đi, đứng, ngồi, nằm, tâm luôn thư thái". Đức Phật dạy chúng ta cách biến sự chánh niệm thành vị tướng lĩnh thao lược, tài giỏi mang đến vô vàn chiến thắng vẻ vang, oanh liệt khi đối đầu với những điều xấu ác; giúp ta bình an trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. 

"Bảy là thành trì có tường cao dày, kiên cố, bền vững, không thể đánh úp từ phía bên ngoài". Cũng vậy, người tu học Phật phải luôn ghi nhớ hành trì "Thiện pháp thứ bảy, phát triển trí tuệ. Nhờ tu tứ đế, trí tuệ tăng trưởng. Nhờ có trí tuệ, thấy rõ nhân quả, các việc hưng suy, thấu hiểu đạo đời, phân biệt rõ ràng, thành tựu sự nghiệp, dứt sạch khổ đau". Trí tuệ giúp cho chúng ta thấy rõ mọi sự vật, hiện tượng tồn tại, vận hành, thay đổi, hoại diệt trên cuộc đời này đều bởi nhân - duyên - quả. Từ đó, với con mắt tuệ, chúng ta biết cách nhận chân được thật giả, xa lìa mê tín dị đoan, phòng trừ được những điều bất thiện. 

Tin: Minh Lượng

Ảnh: Ngộ Đức Phước

Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì Giữ gìn thiện tâm như bảo vệ thành trì
Bình luận