CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Người xuất gia luôn luôn gìn giữ oai nghi trong từng phút giây

Trong Khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên lần thứ 9, tại Chùa Giác Ngộ, sáng ngày 22/08/2022, ĐĐ. Thích Quảng Tịnh đã gửi đến 90 hành giả bài học Phật pháp đầu tiên vô cùng bổ ích, đó là "Oai nghi của người xuất gia". 

Đại đức đã dạy rằng 90 hành giả trong khóa tu lần này mặc dù chỉ là xuất gia gieo duyên; nhưng trải qua suốt 7 ngày tu, các vị ấy đã là người xuất gia thực sự. Và điều đầu tiên mà một người Thích tử thiền môn cần phải học tập chính là oai nghi. Oai nghi được hiểu là "sức mạnh vô hình toát ra từ một người có hành vi, lối sống, cử chỉ chuẩn mực, mẫu mực". Bởi người xuất gia là đại diện cho hình ảnh thoát tục, cao quý của đức Phật, cho nên cần phải điều chỉnh, giữ gìn oai nghi tế hạnh cho thật trang nghiêm, đứng đắn, mẫu mực. Ngoài ra, một vị xuất sĩ mà có hành vi, thái độ không tốt thì sẽ gây mất tín tâm nơi những người Phật tử, ảnh hưởng đến Tăng đoàn. Chính vì lẽ đó, việc học tập oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi,... nơi các hành giả của Khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên là vô cùng quan trọng. 



Thứ nhất, về trang phục thì người xuất gia phải mặc quần áo trang nghiêm, gài đủ các nút, hai ống quần không chênh lệch, không để tà áo vướng, kẹt vào lưng quần. Khi đắp y, hành giả cần đứng yên một chỗ mà đắp y, sửa y, kẹp y trang nghiêm, chỉnh tề, sau đó mới bắt đầu di chuyển. Khi bước lên, bước xuống cầu thang bộ, ta nên nâng tay trái lên ngang ngực để y không quẹt trên sàn nhà. Điều thứ hai, khi bước đi, hành giả không vội vàng, không chen lấn, không chạy nhảy. Mắt luôn nhìn thẳng phía trước, nhìn xuống mặt đất cách bước chân mình một thước. Hai tay không được đánh đong đưa như kiểu đi chợ; và không được vừa đi vừa cởi hay mặc áo, đắp y. Người tu sĩ có oai nghi là không vừa đi vừa nói chuyện, cười đùa; nếu cần nói chuyện, vị ấy sẽ dừng lại cho trang nghiêm thân tướng rồi mới nói. Lưu ý thứ ba, khi thực tập thiền hành, tức thiền đi, bàn chân hành giả khẽ chạm lên mặt đất. Từng bước chân như con dấu đóng lên văn bản, đủ đầy nhưng nhẹ nhàng, chánh niệm. Chúng ta nên nhìn người bên cạnh, tác ý để đi cùng nhịp chân (trái hoặc phải). Ngoài ra, chúng ta cần phải nhìn trước sau, trái phải cho ngay hàng thẳng lối. Khi đi, tay không đánh vung vẩy; còn mắt thì nhìn thẳng, hơi nhìn xuống, không ngó ngang hay liếc dọc. 



Thứ tư, oai nghi khi đứng đó là đứng thẳng, đứng vững vàng, không cọ quậy, không nghiêng ngã, nhưng cũng không gồng cứng. Người xuất gia lúc ấy luôn luôn ý thức chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi. Điều năm, khi ngồi (nghe giảng, thọ thực, ngồi chơi), hành giả phải ngồi ngay ngắn, xếp bàng trên ghế hoặc đặt hai chân xuống, lòng bàn chân vuông góc với mặt sàn nhà. Hành giả không gục mặt lên bàn, không chống tay lúc nghe giảng; không cúi gầm, ngửa cổ, ngó ngang liếc dọc; cử chỉ điềm đạm, động tác nhẹ nhàng, khoan thai. Khi ngồi chơi, người tu sĩ ý thức việc cần giữ oai nghi, không ngồi xổm trên đất, không đặt một chân lên ghế, không ngồi dựa vào người khác. Điều mà các hành giả cần lưu tâm, để ý thêm, đó là hạn chế nói chuyện trong 7 ngày tu và tuyệt đối không dùng điện thoại. Oai nghi thứ sáu, khi thiền tọa, hay ngồi thiền, chúng ta ngồi xếp bàng, thẳng lưng, không cúi đầu; khi mỏi quá, ta có thể đổi chân trong sự im lặng. Nếu hành giả nào bị đau chân thì có thể ngồi trên ghế trong tư thế thoải mái. Khi thiền tọa, mắt cần nhìn trước sau, trái phải sao cho ngay hàng thẳng lối. Còn hai bàn tay thì đặt ngửa, hai ngón cái chạm vào nhau trước bụng hoặc ngửa hai bàn tay dọc theo đầu gối. Điều bảy, ngủ đúng giờ hoặc sớm hơn quy định; không nói chuyện riêng, vì sẽ làm động tâm và ảnh hưởng đến người khác. Trước khi ngủ, hành giả có thể thực tập thêm 15-30 phút toạ thiền. Những lưu ý khi nằm: không nằm sấp; hạn chế không nằm ngửa (nếu nằm ngửa, chú ý khép chân, đặt hai tay lên bụng, hoặc kéo tấm chăn đắp ngang bụng); cố gắng tập tư thế nằm nghiêng bên phải (thế nằm kiết tường của Phật, kê đầu lên trên cánh tay phải, tay trái đặt dọc và để xuôi trên phần hông cơ thể. 



Điều tám, khi nói chuyện, ta nói nhỏ vừa đủ cho người cần nghe; không được vừa cười vừa nói, vừa nhai cơm vừa nói, vừa di chuyển vừa nói; không áp sát mặt khi nói chuyện (gây mất vệ sinh); không to tiếng để gọi ai (nếu cần, chỉ dùng tay làm hiệu). Oai nghi thứ chín, lúc thọ trai, hành giả ăn uống theo đại chúng, không tự ý bỏ ăn, không mang đồ ăn lên phòng ăn riêng. Khi xếp hàng khất thực: không chen lấn, không xô đẩy; phải luôn thong thả, theo dõi hơi thở; không quên mỉm cười và quán niệm “đang thực tập phép khất thực”. Khi lấy thực phẩm: lấy vừa đủ cho mình, không quá thừa, không quá thiếu; không sinh tâm phiền não, bực bội khi người trước thao tác chậm, hay đau khổ khi những món mà mình ưa thích không còn. Thứ mười, oai nghi khi ăn là nhai kỹ, hạn chế tiếng ồn từ việc bát đĩa va vào khay cơm, không nhai ra tiếng, không nói chuyện khi đang nhai cơm. Hành giả không ăn quá nhanh, không ăn quá chậm, luôn quan sát đại chúng để hòa nhập. Nhìn vào khay cơm, hành giả quán niệm ân đức dưỡng nuôi của muôn loài dành cho mình, thỉnh thoảng tập nở nụ cười vì bữa cơm ngon. Lúc xỉa răng, ta cần lấy tay che miệng cho lịch sự. Điều mười một, khi dùng nước uống, nếu không nói ra thì nhẹ nhàng nhận món nước được tặng và khẽ cúi đầu cảm ơn; không được vừa đi vừa uống hay vừa ăn vừa uống; uống chậm rãi, thong thả. 



Chắp tay chính là nét đẹp oai nghi thứ mười hai. Người xuất gia cần chắp tay ngay ngắn, trang nghiêm, không cong queo, không chắp tay theo kiểu bên trong bàn tay có một khoảng không lớn. Hành giả chắp tay như một búp sen chưa nở; chắp tay trước ngực, không quá thấp, không quá cao; không được vừa chắp tay vừa ngoáy mũi. Oai nghi thứ mười ba, xá chào: đứng yên để xá chào; hơi cúi đầu khi xá chào; không cầm kinh sách trên tay mà xá chào. Nếu tay bẩn, hoặc khi đang làm việc: không chắp tay xá chào, nếu cần thì chỉ khẽ cúi đầu. Khi gặp nhau trong nhà vệ sinh: đừng chắp tay xá chào. Khi chư Tăng dùng cơm, làm việc, tụng kinh: hạn chế chắp tay lễ lạy hay xá chào. Với các đồng tu, chúng ta có thể xá chào bằng cách khẽ cúi đầu, nở nụ cười nhẹ. Và khi xá chào, hai mắt hướng về phía trước, không được xá chào người bên trái mà đầu ngoái nhìn sang bên phải. 



Điều thứ mười bốn, khi tụng kinh, hành giả tụng theo đại chúng với âm thanh vừa phải, không tụng quá lớn, không im lặng; tập thỉnh thoảng tác ý mỉm cười; tập trung tâm trí vào từng chữ, từng câu trong kinh; cố gắng tư duy nghĩa lý, ghi nhớ và áp dụng lời Phật dạy trong kinh. Điều thứ mười lăm, oai nghi lạy Phật: hai chân đứng sát nhau, hay tay chắp búp sen, tập trung tâm ý vào tôn tượng Phật. Khi lạy xuống, bàn chân, đầu gối, hai khủy tay, hai bàn tay và đầu mặt áp sát đất (ngũ thể đầu địa) và lưu ý hạ phần mông xuống thấp nhất có thể. Khi nghe xướng lễ, hành giả đặt tay trước ngực, cuối câu xướng lễ đưa tay cao ngang trán và lạy xuống; rồi hai bàn tay xòe ra đỡ lấy trán, giữ yên như vậy cho đến khi nghe tiếng khánh, cùng nhẹ nhàng đứng lên. Nếu quý thầy xướng lạy song song, sẽ không có tiếng khánh nhắc đứng lên, thì hành giả tuân thủ nhịp nhàng theo đại chúng. Khi mệt quá, hành giả có thể quỳ xuống để lạy. Oai nghi thứ mười sáu, người tu sĩ Phật giáo chấp tác (làm việc thường nhật) trong tinh thần hoan hỷ, thanh tịnh; không vội vàng, gấp gáp. Bởi làm việc là một pháp tu và hành giả cần đặt tâm vào từng động tác: rửa chén, lau bàn, quét nhà, cắt gọt rau củ,... và quán niệm đang gột rửa, dọn dẹp phiền não trong thân tâm mình. Hành giả không nói chuyện, cười đùa trong khi chấp tác; làm xong việc, đặt để các dụng cụ vào đúng vị trí ban đầu. 



Điều cuối cùng, sau khi trở về từ khóa tu, các hành giả trả lại pháp phục cho chùa; trở lại nguyên bản chính mình. Hành giả lưu ý không nên khiến người đời nhầm lẫn “Ta là người xuất gia đúng nghĩa” để vừa tránh tổn phước khi nhận sự cung kính của người đời và vừa tránh hại đạo khi ta có những hành động, cử chỉ thiếu chuẩn mực của một người tu. 



Ở cuối bài pháp thoại, ĐĐ. Thích Quảng Tịnh còn chia sẻ 3 bước thành tựu lý tưởng xuất gia cao quý, giúp các hành giả trải nghiệm thực sự được niềm an lạc, sự hạnh phúc của một người tu sĩ chân chính. Bước một là vào cổng chùa, chúng ta không ngừng làm tăng trưởng hạt giống yêu mến Phật pháp, yêu nghe pháp, đam mê thực hành giáo pháp, vui thích trong các Phật sự. Bước hai là trụ ở trong chùa, chính là vui thích với nếp sống tu tập, vui với cuộc sống thanh tịnh, không dính mắc, không tích trữ. Quan trọng nhất là hành giả luôn luôn chế tác niềm vui và nuôi lớn lý tưởng. Bước cuối cùng - làm chủ chùa: trở thành một tu sĩ hữu ích, sống đời đạo đức, hướng về chân nhân, rồi bước dần lên địa vị Thánh nhân. 

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Đức Phước

Bình luận