CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ: Gần 800 người tham dự lễ Quy y Tam bảo online nhân dịp Rằm tháng Tám

Theo thường lệ, Chùa Giác Ngộ đều đặn tổ chức Lễ Quy y Tam Bảo mỗi tháng một lần. Tối nay (ngày 19/09/2021), nhân dịp Rằm tháng Tám m lịch, một Lễ Quy y Tam Bảo đã được diễn ra dưới hình thức online tại chùa Giác Ngộ. Lễ làm con Phật lần này đã thu hút gần 800 thiện nam tín nữ từ khắp các tỉnh thành trong cả nước tham gia.

Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của TT. Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ, cùng sự tham dự của các thành viên trong Tăng đoàn và quý Phật tử đang phụng sự tại chùa trong suốt khoảng 100 ngày qua. 

Qua phần mềm Zoom, người tham dự thực hiện các nghi thức đọc tụng Kinh, phát nguyện trở thành con Phật, giữ gìn 5 điều đạo đức,... dưới sự chỉ dẫn của Tăng đoàn. Theo đó, sau khi tụng bài Kinh Người áo trắng và dự lễ làm Phật tử, quý thiện nam, tín nữ được TT. Nhật Từ hướng dẫn phát nguyện giữ gìn 5 điều đạo đức của người tại gia: không sát sinh, không trộm cắp, không ngoại tình, không nói dối, không sử dụng ma túy và rượu bia. Kể từ giờ phút đó, 761 người tham dự chính thức trở thành Phật tử, bước vào con đường nương tựa ba ngôi tâm linh: Phật - Pháp - Tăng. Đồng thời, con đường khép lại nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống thường nhật cũng bắt đầu với chính họ.

Dịp này, Thượng tọa Trụ trì chia sẻ đến quý Phật tử mới về các vấn đề: Nhân quả, cầu nguyện và tu tập. Đây thực chất là 3 vấn đề quan trọng trong đạo Phật. Bởi lẽ, biết được nhân quả để thay đổi bản thân tích cực, trở thành người hữu ích. Bởi lẽ, hiểu được cầu nguyện không là giải pháp nhưng thông qua nó, con người biết động lòng thương, không trở thành kẻ vô cảm. Bởi lẽ, thực hành tu tập là cách để con người đạt được hạnh phúc, an lạc trong tâm và truyền tải năng lượng tích cực ấy đến với những người xung quanh. Và còn rất nhiều lý do khác, rất chính đáng, tốt đẹp để Phật tử mới quy y biết về 3 vấn đề này. Thông qua đó, Thượng tọa đề cập về nỗi khổ đau của con người, từ đó, đức Phật đã chế tác con đường diệt khổ, Tứ Diệu Đế. Đồng thời, Thầy chia sẻ về định luật bảo toàn năng lượng để nhấn mạnh vấn đề nhân quả luôn luôn tồn tại và không ngoại trừ một ai. Thế nên, hãy sống thật hữu ích, có giá trị để đạt được hạnh phúc. “Tin nhân quả, tự động chúng ta kéo theo 1 niềm tin sâu sắc khác là chết không phải dấu chấm cuối cùng của cuộc đời… Hạnh phúc chỉ đơm hoa kết trái khi chúng ta sống hữu ích, sống có giá trị.” - Thượng tọa nhận định.  

Bên cạnh đó, Thầy Nhật Từ cũng chia sẻ về ý nghĩa của sự cầu nguyện. Thầy cho rằng cầu nguyện là điều luôn có trong mọi tôn giáo, nó chính là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Cầu nguyện không phải mê tín mà là một cách thể hiện ước mong, lòng thương trước nỗi khổ đau của nhiều người. Chỉ khi người cầu nguyện không nỗ lực, tin rằng chỉ cần cầu là có, chỉ cần cầu là được thì khi ấy, cầu nguyện đã bị nhuốm màu của sự mê tín. Cũng thông qua vấn đề cầu nguyện, Thượng tọa khuyến khích quý Phật tử hãy nỗ lực tự thân mình từ việc thực hiện ước mong cho đến vượt qua khỏi những khó khăn, trúc trắc trục trặc trong cuộc sống. Bởi lẽ, đức Phật đã dạy rằng: “Này các đệ tử, mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào gì khác.” Đó cũng chính là sự ứng dụng Phật pháp trên con đường tu tập, phát triển của mỗi bản ngã. Một khi đã biết, đã hiểu, người tại gia tu tập mỗi ngày để thấu suốt chân lý trong cuộc sống. Để rồi, con người không ngừng tiến về phía trước, biến những ước mơ, điều không thể thành có thể và giải phóng tâm khỏi những ganh tị, si mê, lòng tham,... đạt đến Trí tuệ - Đạo đức - Thiền định (3 nền tảng tạo nên đạo Phật). 

Sau cùng, Thượng tọa Giảng sư mong cho tất cả gần 800 con người tham dự lễ Quy y tối nay thực tập tâm từ bi để không trở thành người vô cảm trước nỗi đau mà nhân loại đang đối mặt: đại dịch COVID-19.

Dường như, dịch bệnh tràn lan đã phơi bày rõ nét về khổ đau. Nó không chừa một ai và ai cũng có những đau khổ riêng. Nhưng để tiếp tục vững bước trên con đường tiến về phía trước, người ta cần gạt bỏ đi những muộn phiền, trần ai. Chính vì thế, nhiều người tìm đến Phật để học và lĩnh hội bài dạy về kết thúc khổ đau, cốt lõi là thực tập Bát Chánh Đạo. Bằng cớ là ngày hôm nay, chùa Giác Ngộ đã gieo duyên cho gần 800 người để họ rộng mở cơ hội tu học Phật pháp, giải thoát khỏi khổ đau.

 

Tin: Bảo Tiên

Ảnh: Thanh Phong

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận