CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Dọn dẹp tâm trí, đón chào năm mới

Tối ngày 2/1/2021(nhằm ngày 30/11 Tân Sửu), khoảng 60 Phật tử vân tập về chùa Giác Ngộ để cùng với Tăng đoàn thực hiện nghi thức sám hối định kỳ.

Gần 48 tiếng trước, thế giới đã bước sang năm 2022 với những niềm tin, hy vọng về kết quả tích cực trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Cũng thế, mỗi người dọn dẹp lại tâm trí, loại bỏ rác của năm cũ và sắp xếp, lên kế hoạch cho một “khung trời” mới. Mặc dù sám hối chỉ là một nghi thức của Phật giáo nhưng nó hướng đến thành quả chung trong đời sống tinh thần, đó là giải độc tâm, làm mới tâm. 

Xuất phát từ quan điểm “Tội từ tâm khởi, đem tâm sám”, đạo Phật hướng con người truy tìm nguyên nhân ở sáu căn. Bởi, thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân, con người đã thu nạp “thức ăn” cho tâm mình. Dĩ nhiên, không phải loại “thực phẩm” nào cũng là organic. Vì thế, mỗi ngày trôi qua, tâm trí của chúng ta cũng tích tụ những độc tố, trong đó, có lỗi, có tội chúng ta đã gây tạo. Bằng hình thức lễ lạy và đọc kinh “Nghi thức sám hối sáu căn và hồng danh”, người thực hành bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi về những tội lỗi mình phạm phải. 

Con người ở thời hiện đại, nhất là trong các thành phố lớn, thường chật vật, chạy vậy với sự vội vã của nền công nghiệp hóa. Họ ít có cơ hội hít thở những luồng không khí trong lành, lắng nghe tiếng thiên nhiên hay đơn giản ngắm nhìn bình minh. Chính vì ít có cơ hội detox tâm mình thông qua tự nhiên, nghi thức sám hối tại chùa trong khoảng 1 giờ đồng hồ là rất hữu hiệu. Trong khoảng 1 giờ đó, tâm họ lắng lại, không bị quấy nhiễu bởi các thông báo, tin nhắn trên mạng xã hội. Trong khoảng 1 giờ đó, họ thực hành nghi thức lạy Phật, nó vừa là hình thức tâm linh vừa là sự vận động cơ thể để máu huyết lưu thông. Trong khoảng 1 giờ đó, họ đọc bài kinh về tội của sáu căn để biết được tâm mình phát khởi tội lỗi gì và thành tâm sám hối, sửa sai, rút kinh nghiệm. 

Kể từ khi có dịch Covid-19, chùa Giác Ngộ luôn chú trọng phát sóng trực tiếp những buổi lễ sám hối tại chùa trên các Fanpage, kênh YouTube để người tại gia vẫn thực hành được nghi thức thiết thực này ở nhà vừa đảm bảo an toàn sức khỏe. 

 

 

Tin: Bảo Tiên

Ảnh: Thanh Phong

Bình luận