CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Tết Mậu Tuất: TT. Thích Nhật Từ ban đạo từ cho hành hương của đạo tràng chùa Phước Long – Cần Thơ

Vào chiều mùng 04 Tết (thứ hai, ngày 19/02/2018), đoàn hành hương chùa Phước Long, tỉnh Cần Thơ do ĐĐ. Thích Pháp Thọ dẫn đoàn đã đến chiêm bái và đảnh lễ Tam Bảo tại chùa Giác Ngộ. Đáp lời thỉnh mời của Thầy Pháp Thọ, TT. Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, đã có thời pháp thoại ngắn đầu xuân nói về ý nghĩa hành hương và những điều cần biết về Tết.

Điều 01, hạn chế thắp nhang: Trong nhang chứa hơn 100 hóa chất độc hại, khi hít vào có thể gây bệnh. Bên cạnh đó, thắp nhang là một quan niệm mê tín - với ý nghĩa là khói nhang sẽ bay lên 9 tầng trời, 10 phương Phật -  có nguồn gốc từ văn hóa Trung Quốc, được lưu truyền sang Việt Nam. Cũng không nên bắt chước tập tục đốt nhang rồi ngày cuối năm mới dọn dẹp bàn thờ như người dân miền Bắc. Nếu được thì chúng ta nên bỏ luôn đốt nhang, chỉ dùng nhang điện.

Điều 02, thay thế cầu nguyện bằng hành động thực tế: Việc chúng ta đi chùa cầu nguyện cho chính mình và cho người thân không thay đổi được gì. Thay vào đó, khi đến chùa, các quý Phật tử nên tĩnh tọa trước bàn thờ Phật 15 - 30 phút, thực tập thiền Tứ Niệm Xứ - pháp thiền do Đức Phật giảng dạy. Chính hành động đó làm cho tự tâm chúng ta an lạc. Còn đối với người thân, thay vì hồi hướng công đức, ghi danh cầu an - cầu siêu cho họ, chúng ta nên dẫn họ đến chùa cùng tu học và làm các Phật sự, thiện sự. Nếu họ ở xa không thể đến được thì nghe pháp thoại trực tuyến được các chùa, tự viện phát trên Facebook, YouTube và các ứng dụng mạng xã hội khác có chức năng phát trực tuyến.

Điều 03, hướng dẫn con cháu làm Phật tử từ nhỏ: Việc thiếu trách nhiệm của các bậc cha mẹ theo đạo Phật không đưa con cháu đến chùa từ nhỏ làm cho con cháu mình bỏ đạo gốc về sau trong hôn nhân và các hoàn cảnh khác. Nếu so với các nước Phật giáo Nam truyền mà được đặt biệt danh là Tiểu thừa, Phật giáo Đại thừa thua kém rất nhiều. Các nước Nam truyền như Myanmar, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia chủ động đưa con em quy y Tam Bảo từ nhỏ, giúp con em họ huân tập hạt giống đạo đức - thiền định - trí tuệ để sống đời an lạc, không sa ngã khi lớn và là một người có trách nhiệm, uy tín. Việc làm đó giúp cho Phật giáo phát triển mạnh và tăng số lượng tín đồ như các tôn giáo khác đã, đang và sẽ làm.

Điều 04, phát tâm làm các Phật sự và thiện sự: Hiện nay, trong số hơn 18.000 ngôi chùa ở Việt Nam, chỉ có một ít chùa có tổ chức các khóa tu; lễ Hằng Thuận (lễ cưới tại chùa); lễ quy y Tam Bảo; trao tặng học bổng; triển lãm văn hóa Phật giáo; các chương trình từ thiện; hiến máu nhân đạo; hiến mô, tạng và hiến xác; văn nghệ Phật giáo v.v… Chính việc các Tăng, Ni thụ động, các Phật tử không hỗ trợ góp phần làm suy thoái đạo Phật, nhất là ở các chùa nhất Tăng nhất tự. Các Tăng, Ni ngoài việc tinh tấn tu tập quán chiếu, học sâu học rộng Pháp Phật cần phải năng động, tích cực, nhập thế độ sinh, làm các Phật sự và thiện sự để mang lại hạnh phúc cho đời. Phải tham khảo các mô hình hoằng pháp của các tổ chức, tự viện Phật giáo trên thế giới và ý kiến của các Phật tử là doanh nhân, CEO, giới trí thức. Hộ niệm cho người lâm chung chỉ độ được một người, mà xác suất thành công thì quá thấp. “Hộ niệm” cho quần chúng là những người Phật tử hay không là Phật tử mới là cách hộ niệm thiết thực nhất và là phương pháp hộ niệm mà Đức Phật đã dạy. Ngoài ra, các Phật tử cũng phải phát tâm hỗ trợ quý thầy (cô).

Cuối cùng, Thượng tọa cũng đã giải thích một cách khái quát nội dung đầu sách “Cẩm nang tu học Đạo Phật Ngày Nay” - một quyển sách dưới 100 trang đúc kết lời Phật dạy trong suốt 45 năm hoằng truyền chân lý.

Thời pháp thoại đầu xuân đã kết thúc một cách nhẹ nhàng trong niềm hoan hỷ của quý Phật tử.

Xem video trực tiếp bài pháp thoại này tại đây: https://www.facebook.com/ThichNhatTu/videos/1825923244098298/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận