CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Học theo lời Phật dạy - Vợ chồng hạnh phúc ngay

Sáng ngày 19/07/2022, Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ đã trang nghiêm chứng minh cho buổi lễ hằng thuận của chú rể Danh Tình (pháp danh Minh Phúc) và cô dâu Tuyết Nhung (pháp danh Liên Hồng) trong sự chúc phúc và vui mừng của gia đình, thân quyến, bạn bè hai họ.


Khi cưới một người, chúng ta chỉ có thể làm lễ chính thức một lần, nhưng cả hai lại phải chung sống với nhau mãi đến một đời. Do đó, việc thấu hiểu, cảm thông, thương yêu, nhẫn nhường, chia sẻ giữa vợ và chồng là vô cùng quan trọng để hạnh phúc hôn nhân luôn luôn vẹn tròn, mãi mãi sắt son. Do đó, tổ chức lễ cưới tại chùa và cùng thấm nhuần lời Phật dạy về đạo nghĩa tào khang sẽ giúp cho cô dâu và chú rể chuẩn bị được hành trang từ bi, trí tuệ cần thiết cho cuộc sống gia đình phía trước. Vì ý nghĩa thiêng liêng ấy, sáng ngày 19/07/2022, Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ đã trang nghiêm chứng minh cho buổi lễ hằng thuận của chú rể Danh Tình (pháp danh Minh Phúc) và cô dâu Tuyết Nhung (pháp danh Liên Hồng) trong sự chúc phúc và vui mừng của gia đình, thân quyến, bạn bè hai họ.

Đầu buổi lễ, Tăng đoàn đã hướng dẫn đại chúng nghi thức đảnh lễ Tam Bảo. Sau đó, đại chúng cùng nhau đọc tụng Kinh Thiện Sinh, bài kinh nói về nghệ thuật sống an vui, hạnh phúc trong cách đối nhân xử thế, giao tiếp hài hòa, tương thân tương ái và đề cao tinh thần trách nhiệm giữa người với người trong bất cứ mối quan hệ nào, dù là trong nhà hay ngoài xã hội. Trong đó, mối quan hệ giữa vợ và chồng cũng là một điều đáng để cho cô dâu và chú rể phải lưu tâm và học hỏi.

Đức Phật đã dạy rằng người chồng phải tôn trọng vợ với năm bổn phận: một là lấy lễ đối đãi với vợ, hai là chuẩn mực nhưng không hà khắc, ba là tùy thời cung cấp y, thực, bốn là tùy thời tặng trang sức đẹp, năm là cùng vợ làm tốt việc nhà. Tương tự như vậy, người vợ cũng phải đối đãi chồng với năm bổn phận: một là siêng năng, thức dậy trước chồng; hai là nể chồng, trước, sau, trong, ngoài; ba là dùng lời hòa nhã, xây dựng; bốn là nhún nhường, ủng hộ điều hay; năm là hiểu chồng, cảm thông, chia sẻ.

Tiếp đó, tân lang và tân nương tuyên đọc bốn lời phát nguyện trước hôn nhân, đó là: cam kết sống tiếp nối đạo đức và truyền thống văn hóa gia đình và đất nước; sống chung thủy, hiểu biết, thương yêu, nâng đỡ nhau; luôn luôn tôn trọng và hài hòa với nhau; hướng dẫn con cháu là Phật tử từ nhỏ, dồn hết tâm lực và phương tiện, xây dựng hạnh phúc cho con cháu. Thông qua năm trách nhiệm giữa vợ và chồng, cùng bốn lời phát nguyện trước hôn nhân, cô dâu và chú rể như được cung cấp thêm "tấm bản đồ" để đồng thuận đồng lòng, vững vàng tiến bước trên hành trình khám phá những chân trời hạnh phúc, an vui mà tình yêu lứa đôi mang lại.

Đến nghi thức trao nhẫn cưới, ĐĐ. Thích Lệ Tuân, Giáo thọ sư Lớp Giáo lý Bát Chánh Đạo Nâng cao của Chùa Giác Ngộ đã có đôi lời giải thích về ý nghĩa của chiếc nhẫn đến đôi uyên ương. Nhẫn được làm từ một kim loại rất quý, không bị bay màu và khó bị biến hoại như nhiều kim loại khác. Tương tự như vậy, tình nghĩa vợ chồng phải luôn luôn thủy chung, không phai nhạt, không phai mờ. Nhẫn được thiết kế theo dạng hình tròn, tượng trưng cho giáo lý duyên khởi, vô thỉ vô chung. Vợ và chồng cũng thế, khi đã về chung một nhà là chúng ta hòa chung nhịp đập con tim, cả hai phải thương yêu nhau liên tục, mãi mãi như một vòng tròn hoàn mỹ, không có bắt đầu và không hề kết thúc. Nhẫn còn là sự nhẫn nhịn, nhún nhường; đôi uyên ương phải lấy chữ nhẫn làm đầu để có thể thấu hiểu và yêu thương nhau đến răng long đầu bạc.

Và để tiếp thêm phương pháp, kỹ năng chung sống hòa hợp, thương yêu, nghĩa tình trên tinh thần Phật dạy, ĐĐ. Thích Lệ Tuân đã đại diện cho Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ gửi gắm đôi điều đến tân lang và tân nương. Đầu tiên, là vợ là chồng thì chúng ta nên có chung một hệ tư tưởng, chung một tín ngưỡng, chung một tôn giáo. Và sẽ thật may mắn nếu như vợ chồng đều trở thành người con Phật. Khi đó, tuân theo và hành trì theo năm điều đạo đức Phật dạy sẽ giúp cho cuộc sống hôn nhân, gia đình luôn luôn hạnh phúc và vững bền. Bên cạnh đó, khi đã sống chung một mái nhà thì vợ chồng phải đề cao sự tin tưởng và tôn trọng sự chân thật để tình nghĩa đôi bên không bị rạn nứt bởi những hoài nghi, giấu che và phản bội.

Khi đã có con cái, chúng ta phải có trách nhiệm hướng dẫn các con trở thành Phật tử từ nhỏ, sống theo tinh thần đạo đức, từ bi, trí tuệ để con có thể phát triển với sự ích lợi cho cuộc đời, cho xã hội. Ngoài ra, một điều cũng không kém phần quan trọng, đó là chúng ta phải ghi nhớ và đáp đền công ơn sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ hai bên nội ngoại. Theo lời Phật dạy, chúng ta nên trích ra một phần tư thu nhập để cúng dường cho mẹ cha, cùng với sự hỏi han, thăm nom, săn sóc và báo hiếu đến trọn đời.

Muốn sống chung với nhau thật lâu dài thì cả hai cần thấu hiểu tâm lý của nhau và đáp ứng các nhu cầu tinh thần bên cạnh những nhu cầu vật chất không thể thiếu. Người chồng cần để ý, quan tâm đến sở thích, thói quen, nhu cầu của vợ. Lâu lâu, chồng nên gửi tặng vợ những món quà, có thể chỉ giản đơn, bé nhỏ như một cành hoa, một chai mỹ phẩm hay một thỏi son,... nhưng đối với người phụ nữ, đó lại là niềm hạnh phúc vô bờ. Người vợ, ngược lại cũng vậy, nên động viên, khích lệ chồng trong cuộc sống, không nên quá khắt khe với việc chồng ra bên ngoài xã hội để xã giao, giao tiếp với nhiều người. Và để giúp cho cuộc sống hôn nhân, gia đình được ấm êm, sung túc, không thiếu trước hụt sau thì cả hai phải siêng năng làm việc từ thiện, san sẻ, giúp đỡ cho nhiều người, cúng dường Tam Bảo,... để vun bồi phước báu của cả hai. Có như thế, khi đã về chung dưới một mái nhà, vợ và chồng sẽ có một đời sống an vui, hạnh phúc, thủy chung và vững bền mãi mãi về sau.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thái Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận