CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Gương Sáng 13: Cư sĩ Trần Đình Sơn

 

Các bạn trẻ đã có cơ hội được gặp gỡ một người mà ông có rất nhiều chức danh để   gọi là ‘Nhà’: Nhà cổ học; Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật;  Nhà nghiên cứu Phật học,  nhưng ông chỉ thích mọi người gọi ông như là một chức danh Cư sĩ. Đó là Cư sĩ Trần Đình Sơn một nhà trí thức có tâm với đạo Phật. Ông là Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN.

Các tu sinh được nghe về nhân duyên trở thành Nhà cổ học thay vì theo tâm nguyện của mẹ là phải học nghề Y, thế mà ông lại say mê trở thành một nhà nghiên cứu sưu tầm cổ học, di chỉ khảo cổ qua buổi gặp gỡ đầu tiên với cố học giả Vương Hồng Sến.  

Là một nhà văn hóa nghệ thuật, với vốn sống khá phong phú khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về văn hóa về Nho giáo, ảnh hưởng rất nhiều đến con đường nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ông còn là một tác giả xuất bản rất nhiều cuốn sách về Văn học, nghệ thuật đặc biệt là những cuốn sách viết về cố Đô quê hương Ông. Các tu sinh được nghe ông chia sẻ thêm về vùng đất, về văn hóa, về con người xứ Huế. Đơn giản như văn hóa ăn uống; Văn hóa lời nói dân gian hay là lời nói trong nhà hoàng tộc…hay mảng văn hóa trong cung đình được đem ra ngoài dân gian.

Các tu sinh cũng rất thích thú khi được nghe Ông kể về cái thời còn nhỏ khi nhân duyên quy Y theo đạo Phật, nhất là ba tháng ở tại chùa cùng với mấy Chú tiểu. Khi trưởng thành, nhờ 3 tháng ở chùa và 5 điều phát nguyện khi quy Y lúc 15 tuổi trước Tam bảo đã giúp Ông vượt qua khi thay đổi nghề nghiệp, là hành lang ngăn ông đến với những thú vui hay quá đà trong lúc uống rượu… giúp ông giữ được những điều căn bản của người Phật tử cho đến hôm nay.

Là Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, khi nói đến di sản của Phật giáo, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn có những quan điểm về di sản khi cũng cần phải xem lại cái gì là di sản cần phải duy trì bảo tồn toàn bộ. Chúng ta nên có quan điểm cho đúng về di sản chứ không nhất thiết cứ là di sản phải giữ gìn, có những cái chúng ta phải giữ gìn nhưng cũng có cái phải phá bỏ thay thế. Ông cũng lấy ví dụ như chùa Giác Ngộ, nếu cứ giữ gìn ngôi chùa Giác Ngộ cách đây 1100 năm  thì  không thể có ngôi chùa Giác Ngộ hiện đại ngày nay để phục vụ cho quần chúng tu học.

Ông cũng đề cập đến vài truyền thống hủ tục như đốt vàng mã, khói hương nghi ngút, thầy bà la hét om xòm hay là cỗ bàn linh đình, uống rượu say xỉn… Bản sắc Văn hóa cần phải giữ  gìn, tuy nhiên cũng phải thay đổi để phù hợp với lớp trẻ.

Khi chia sẻ ở góc độ hôn nhân khác tôn giáo cho các bạn trẻ ông khuyên: Nếu lập gia đình nên suy nghĩ và tìm hiểu cho kỹ đặc biệt nên đồng tín ngưỡng vì khi đồng tín ngưỡng sẽ giúp cho cha mẹ giáo dục con cái theo hướng tốt. Phật giáo không coi hôn nhân là bổn phận đối với tôn giáo, nên dễ bị thuyết phục cuối cùng bỏ đạo để đi theo tiếng gọi tình yêu. Nếu các bạn trẻ đã có hiểu biết về giáo lý đức Phật, có niềm tin vững vàng. Đừng ai, bắt buộc ai, phải theo tôn giáo của mình, dù đó có là người mà bạn muốn lấy làm vợ, làm chồng. Người nào áp đặt người bạn đời phải theo tín ngưỡng của mình, người đó rất là lạc hậu thì các bạn cũng không nên khổ đau vì mối tình đó.  Đó là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng chỉ vì mục đích danh lợi cá nhân.

Về hôn nhân đồng tính, Ông cũng chia sẻ, Phật giáo không đặt năng vấn đề hôn nhân đồng tính vì coi đồng tính là một giả tướng là nghiệp. Chỉ có một việc mà Phật giáo cấm là người đồng tính không được xuất gia, vì điều đó sẽ gây hiểu lầm và rắc rối cho việc khi ở với Tăng hoặc với Ni. Nếu nay mai có các cặp hôn nhân đồng tính xin làm lễ hằng thuận tại chùa thì nhà chùa vẫn làm lễ bình đẳng như các cặp đôi bình thường khác.

 Cuối cùng, ông hy vọng sẽ có các buổi gặp gỡ khác để trao đổi nhiều vấn đề trong các lĩnh vực khác sâu hơn.

Bình luận