CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Học hạnh hiếu thảo từ đức Bồ-tát Quán Thế Âm

Sáng ngày 17/07/2022, trong Khóa tu Ngày An Lạc, tại Chùa Giác Ngộ, HT. Thích Nhật Hỷ đã gửi đến các hành giả bài pháp thoại ý nghĩa với chủ đề: "Sự hiếu thảo của Bồ-tát Quán Thế Âm" nhân ngày vía Ngài thành đạo.


Hòa thượng cho biết cách đây hơn 26 thế kỷ, tại Ấn Độ cổ đại, nơi phân biệt giai cấp rõ rệt nhất trong xã hội và vai trò của người nữ là vô cùng thấp kém, yếu thế. Do đó, sau khi thành đạo, đức Phật đã đề cao tầm quan trọng và giá trị của người nữ hơn. Người nữ được đặt lên ngang hàng, bình đẳng với nam giới, nhất là cả khả năng chứng đạo và giải thoát, giác ngộ. Sau ba lần xin thỉnh của di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề và các thể nữ hoàng tộc Thích Ca, đức Phật đã nhận lời cho người nữ xuất gia. Trong ni giới cũng có rất nhiều vị Thánh vô cùng tài giỏi, đức độ và phẩm hạnh không thua kém gì chư vị Tỳ-kheo.

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm thứ 25 gọi là Phổ Môn phẩm nói về công đức và hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, một hình ảnh đại diện của nữ giới, làm rạng danh và nâng cao vị thế của nữ giới trong cuộc sống, kể cả trong lộ trình cứu độ nhân sinh và giải thoát, giác ngộ. Hòa thượng còn cho biết là một người Phật tử, chúng ta cần phải khắc cốt ghi tâm về sự hiếu thảo, bởi tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật và hiếu thảo là một phước báu lớn trong đời người. Và trong bốn trọng ân, ân cha mẹ cũng được đức Phật nói đến đầu tiên. Chính vì vậy, trong ngày vía đức Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo, chúng ta cùng nhau học hỏi tấm gương hiếu thảo của Ngài, thông qua câu chuyện về hóa thân Bồ tát Quán Âm Diệu Thiện.

Diệu Thiện là cô công chúa thứ ba, con của vua Diệu Trang, là người vô cùng hiếu thảo và thương người với tâm từ bi vô lượng. Đến tuổi trưởng thành, dù hai người chị ruột đã yên bề gia thất. Công chúa Diệu Thiện không muốn lấy chồng. Nàng chỉ muốn sống một mình để báo hiếu cho cha mẹ và cứu giúp những người khốn khổ. Nàng ra sức đem tiền của, tài sản của mình và ngân khố quốc gia để ban phát cho người dân trong cả đất nước. Việc này khiến cho nhà vua không hài lòng, bởi bản tính của ông vô cùng tàn độc, hung ác, keo kiệt, hà khắc. Rồi ông ra lệnh đuổi công chúa Diệu Thiện ra khỏi hoàng cung. Nàng đến một ngôi chùa xin tá túc và cùng sư trụ trì làm từ thiện, phát quà tặng cho những người nghèo khổ. Tấm lòng từ bi của nàng đã vang danh khắp nơi và lọt đến tai của vua cha. Thế là ông nhân lúc nàng và sư trụ trì đi làm từ thiện ở phương xa mà cho người đến đốt phá chùa. Và nhờ ân đức to lớn, sâu dày của nàng Diệu Thiện cùng sư trụ trì, bá tánh thập phương quyên tiền của để xây lại ngôi chùa mới khang trang, uy thế hơn ngôi chùa cũ gấp mười lần. Hay tin, nhà vua vô cùng tức tối và lâm trọng bệnh. Ông bị bệnh hủi, tay chân lở loét, thân thể đau nhức, sống không được mà chết cũng không xong. Biết vậy, công chúa Diệu Thiện vô cùng hiếu thảo, cảm thương cha mà lập trai đàn Dược Sư để tụng kinh, niệm Phật, cúng đèn cầu mong cha khỏi bệnh. Nhờ phước báu và sự chí thành, hiếu thảo của nàng, vua Diệu Trang đã được một lương y chữa lành bệnh. Khi biết được nhờ lòng hiếu thảo và tâm từ bi của con gái cứu giúp mình, ông đã đến chùa rước nàng về lại hoàng cung. Bên cạnh đó, việc làm của nàng còn giúp cảm hóa được ông trở thành một vị vua hiền đức hơn, thương dân hơn và có trách nhiệm với đất nước, nhân dân hơn. Và cũng nhờ sự hiếu thảo cảm động thấu trời xanh mà công chúa Diệu Thiện chứng đắc quả vị Bồ-tát. Sau đó, Ngài vẫn tiếp tục hành trình độ sinh trên con đường hướng đến Phật đạo viên thành.

Qua câu chuyện của Bồ tát Diệu Thiện, Phật tử chúng ta nếu muốn ngày càng hoàn thiện mình hơn thì bên cạnh việc trau dồi giới - định - tuệ, phụng sự nhân sinh, cứu giúp muôn loài, thì chúng ta cần làm tròn hiếu đạo, lấy việc hiếu kính cha mẹ làm đầu. Trong Kinh Báo Hiếu Công Ơn Cha Mẹ, đức Phật cũng có dạy về 10 ân đức to lớn mà người mẹ đã làm cho con cái. Một là mang thai giữ gìn, mặc dù khi mang thai thì người mẹ khổ sở, cực nhọc, có khi lại đau đớn vô cùng. Điều hai là sinh đẻ rất hiểm nguy. Điều ba là sinh con ra rồi phải lắng lo, chăm sóc, nuôi dưỡng. Bốn là đắng cay mẹ nhận, ngọt bùi để dành cho con. Năm là nhường hết những điều tốt nhất, thức ăn ngon nhất cho con của mình. Điều sáu là dưỡng nuôi cho con qua nguồn sữa mẹ quý báu. Điều bảy là tận tình tắm rửa, nâng niu, chăm sóc vô cùng. Tám là xa con thì vô cùng nhớ nhung, thương yêu, khó mà xa rời. Điều thứ chín là vì thương con mà hy sinh thân mình, dù cho là tạo tội. Điều cuối cùng là cha mẹ thương con cho đến trọn đời.

Ngoài ra, trong kho tàng thành ngữ Việt Nam còn có câu nói ca ngợi về ơn nghĩa trời biển của cha mẹ dành cho con mình, đó là "chín chữ cù lao", với "cù" nghĩa là siêng năng, "lao" nghĩa là khó nhọc. 9 công ơn đó là: 1 - sinh: cha mẹ đẻ ra con mình; 2 - cúc: nâng đỡ; 3 - phủ: vỗ về, vuốt ve; 4 - súc: cho con ăn, bú mớm; 5 - trưởng: nuôi dưỡng thể xác; 6 - dục: giáo dưỡng tinh thần; 7 - cố: trông xem – nhìn ngắm; 8 - phục : quấn quýt – săn sóc không rời tay; 9 - phúc : ẳm bồng, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, sợ con bị ăn hiếp.

Do đó, chúng ta có thể thấy, dù trong Phật giáo hay trong văn hóa Việt Nam, đạo hiếu luôn luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, là người con Phật sáng suốt và thuần thành thì chúng ta phải không bao giờ được quên sự hiếu thảo đối với mẹ cha. Bởi họ là hai vị Phật trong nhà, đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ và dìu dắt chúng ta vào đời với biết bao sự thương yêu, quý mến. Nhân ngày vía đức Bồ-tát Quán Thế Âm thành đạo, hàng Phật tử chúng ta hãy nhớ lại công hạnh hiếu thảo của Bồ-tát Diệu Thiện cùng lời Phật dạy về công ơn cha mẹ mà soi lại chính mình, cố gắng sống cho vẹn tròn thương yêu, ân nghĩa đáp đền đến hai đấng sanh thành.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thanh Phong

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận