CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19

Sáng ngày 21/08/2022, trong Khóa tu Ngày An Lạc, tại Chùa Giác Ngộ, TT. Thích Nhật Từ đã gửi đến đại chúng bài pháp thoại sâu sắc với đề tài: “Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19”. 

Thượng tọa cho biết sáng ngày 18/08/2022, Ban Trị sự GHPGVN TPHCM đã trang nghiêm khai mạc Đại lễ tưởng niệm, kỳ siêu đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 tại trung tâm hành chánh – văn hóa và tâm linh của Phật giáo TPHCM - Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TPHCM). Đại lễ lần này có tên gọi: “Hộ quốc Nhân vương thủy lục phổ độ đại trai thắng hội đạo tràng” lấy từ tên của bản kinh Hộ quốc nhân vương Bát-nhã Ba-la-mật. Đây là đại lễ mang tính nhân văn, bày tỏ sự tri ân đối với những người tham gia tuyến đầu đã hy sinh trong khi phòng chống dịch, đồng thời bày tỏ lòng chia sẻ sâu sắc cho những sự mất mát không gì bù đắp nổi đối với thân nhân đồng bào tử vong trong đại dịch. 


Đại lễ diễn ra liên tục trong ba ngày, từ ngày 21-23/07 năm Nhâm Dần (nhằm ngày 18, 19 và 20/08/2022) với các nghi lễ, thời khóa vô cùng ý nghĩa như: dâng hương tưởng niệm, rước linh vị và cầu nguyện an lành cho chư hương linh đồng bào tử vong; an vị bia đá ghi ân công lao của toàn thể đồng bào đã ra đi trong đại dịch; thực hiện các nghi thức thỉnh Tiêu Diện Đại sĩ; trì tụng Kinh Nhân Vương Hộ Quốc, Kinh Địa Tạng, Kinh Vô Ngã Tánh, Kinh Dược Sư, Kinh A Di Đà, Kinh Vu Lan Báo Hiếu, Hồng Danh Bửu Sám, Mông Sơn thí thực; cử hành nghi thức cúng Phật, tiến linh; làm lễ phóng liên đăng, trai đàn chẩn tế; tổ chức các buổi pháp thoại,… nhằm xoa dịu nỗi đau cho người ở lại và hồi hướng công đức, phước báu đến người đã ra đi sớm được sống an vui, hạnh phúc ở cảnh giới yên bình. 

Thượng tọa đã chia sẻ rằng theo thống kê, đến nay, trên thế giới có hơn 600 triệu người đã nhiễm Covid-19 và khoảng 10% trong số đó, cụ thể là 64,7 triệu người đã không may phải qua đời. Việt Nam là nước đứng thứ 13/230 quốc gia có số người nhiễm Covid-19; với tổng số 11,3 triệu người mắc phải và có 43.103 bệnh nhân đã tử vong. Trước tháng 04/2021 trở về trước là 18 tháng Việt Nam vô cùng thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do mất cảnh giác và tập trung đi chơi dịp lễ quá đông và nhiều trường hợp ỷ y, chủ quan không đeo khẩu trang; cho nên, Covid-19 sau đó đã nhanh chóng lây lan rất nhanh trong cộng đồng và dẫn đến cái chết đau thương cho nhiều người. Do đó, việc tổ chức Đại trai đàn kỳ siêu lần này có ý nghĩa vô cùng thiết thực và nhân văn đến các hương linh đã khuất. 


Tiếp đó, Thượng tọa đã đi sâu vào việc phân tích một số vấn đề cốt lõi từ Đại trai đàn, giúp cho chúng ta cùng nhau suy ngẫm về những bài học vô cùng sâu sắc, đáng phải lưu tâm. Thứ nhất, chết vì Covid-19 là một cái chết bất đắc kỳ tử, hay còn gọi là hoạnh tử. Mà trong Kinh Dược Sư gọi đây là cái chết không đáng để chết, bởi chết là do thiếu thuốc thang hay không được thầy thuốc cứu giúp. Những người bị chết vì đại dịch lần này là những hương linh vô cùng cô đơn và buồn tủi. Bởi từ những tháng ngày giành giật sự sống với tử thần trên giường bệnh, cho đến khi đau đớn ra đi do cơn bệnh hành hạ và được chờ để hỏa thiêu thành tro cốt; thì người bị nhiễm Covid-19 hoàn toàn không có thân nhân bên cạnh săn sóc, giúp đỡ. Từ những cái chết thương tâm như trên, chúng ta cần quán chiếu về tính vô thường trong cuộc sống và thực tập vô ngã đối với mọi sự vật, hiện tượng trên cuộc đời. Để nhờ đó, khi đối diện với nỗi đau thương, mất mát, chúng ta luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt và kiên cường vượt qua; không bị các cảm xúc, tâm lý tiêu cực quật ngã mình. 

 Điều hai, chết và tái sinh là một quy luật của cuộc sống. Những người sống thọ trước hết là do được thừa hưởng bộ gene tốt, tiếp đó là có một sức khỏe đáng ngưỡng mộ nhờ có môi trường sống và lối sống tốt đẹp, tích cực, an lành. Ngoài ra, không kém phần quan trọng, đó là họ biết cách xây dựng cho mình một đời sống tâm linh, tinh thần hướng thiện và hướng thượng. Do đó, tuổi trẻ là đối tượng có đủ điều kiện để sống lâu, sống thọ hơn cha ông mình. Tuy nhiên, không phải người lớn tuổi nào cũng sẽ chết trước thế hệ con trẻ; bởi do nhiều nguyên nhân mà có thể xảy ra trường hợp "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". Vì thế, cái chết là một sự thật hiển nhiên mà không ai có thể tránh khỏi, bất kể già hay trẻ. Và sau khi chết, tâm thức đó lập tức tái sinh sang một kiếp sống mới. 


Bài học mà chúng ta cần lưu tâm chính là chấp nhận sự thật về cái chết và sự tái sinh của mỗi chúng sanh. Khi có người thân qua đời, chúng ta không nên quá đau thương, buồn bã, khóc la, than vãn để gây thêm sự lưu luyến, tiếc nuối nơi người quá cố. Mà hãy khen ngợi, ghi nhận những thành tựu, đóng góp của người đã qua đời và khuyên nhủ, an ủi họ, giúp họ hiểu về sự vô thường, vô ngã để nhẹ nhàng, thanh thản bước qua một kiếp sống mới. Bên cạnh đó, chúng ta cần tu tạo nhiều công đức, phước báu để hồi hướng cho người thân sớm vãng sanh về cảnh giới bình an, hỷ lạc. Và rồi khi tiếp tục tồn tại ở một đời sống mới, chúng sanh đó lại phải trải qua tiến trình sinh, già, bệnh, chết một lần nữa. Cứ như thế, tất cả chúng ta đều phải trải qua sinh tử luân hồi liên tục, bởi chết không phải là dấu chấm hết. 


Cuối cùng, TT. Thích Nhật Từ còn gửi gắm 5 điều quan trọng đến đại chúng trong việc tổ chức tang lễ và cúng kiến cho người thân đã mất. Trong thời gian tang chế, ma chay, chúng ta không nên đốt vàng mã do chúng gây ra hành động vô cùng hoang phí, bởi vì trước khi đốt thì chúng hoàn toàn không có giá trị thật, còn sau khi đốt lại không có giá trị sử dụng mà chỉ khiến môi trường bị ô nhiễm. Thay vì lấy tiền để mua vàng mã và làm điều vô ích, chúng ta hãy dùng tiền để làm việc phúc, việc đức nhằm hồi hướng phước báu cho người thân đã mất bằng cách bố thí cho người nghèo, cúng dường Trai Tăng, thả cá phóng sanh, ủng hộ quỹ từ thiện, đóng góp xây chùa,... Bên cạnh đó, thân quyến không nên làm các nghi lễ mê tín như mở cửa mã, rước hương linh về an vị trên bàn thờ. Do đạo Phật chủ trương giúp cho hương linh sớm siêu thoát, vãng sanh; cho nên hai việc trên chỉ khiến cho hương linh càng chấp mắc, vướng kẹt, luyến lưu kiếp sống cũ mà thôi, hoàn toàn trái lại lời Phật dạy. 


Tiếp đó, người thân cần xây mồ mả cho người đã mất một cách chỉn chu, trang nghiêm để thể hiện nghĩa tình, ân tình cao quý. Tuy nhiên, không nên tốn quá nhiều tiền tài, của cải để xây dựng một cách phô trương, hoành tráng vì như thế là lãng phí bởi không hề có một linh hồn nào sống nơi nấm mồ vô tri ấy cả. Việc cúng thất cho người mất phải được tổ chức tại chùa để giúp tu tạo công đức cho người mất; về phía người còn sống lại có cơ hội hiểu được giáo lý nhà Phật và sớm vượt qua tâm lý mất mát, đau thương. Điều cuối, sau 49 ngày kể từ khi từ trần, chúng ta không cần phải bận tâm rằng người đã mất có được siêu thoát không hay còn đang lang thang, vất vưởng; do họ hoàn toàn đã tái sinh thật rồi. Và việc cúng đám giỗ hằng năm sẽ chỉ mang ý nghĩa tưởng niệm, tri ân người quá cố mà thôi. 


Thông qua bài pháp thoại, những Phật tử có người thân đã mất nói chung và những thiện nam, tín nữ không may có thân nhân qua đời vì Covid-19 nói riêng sẽ có thêm nhiều điều bổ ích, lợi lạc trong việc giúp cho người đang sống lẫn người ra đi có thể tạo dựng được sự bình an, hạnh phúc dù đang ở bất cứ nơi đâu, trong mọi đời sống nào. 
 
Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thái Sơn

Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19 Ý nghĩa Đại trai đàn cầu siêu đồng bào chết vì Covid-19
Bình luận