CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Nên thờ Phật và tu học Phật làm sao cho đúng pháp?

Tối ngày 17/07/2022, nhân ngày tưởng niệm đức Bồ-tát Quán Thế Âm thành đạo, tại Chánh điện Chùa Giác Ngộ, Tăng đoàn đã long trọng tổ chức Lễ làm người con Phật cho khoảng 770 thiện nam, tín nữ. Nhân đó, TT. Thích Nhật Từ cũng đã gửi tặng đến đại chúng bài pháp thoại: "Thờ Phật và tu học Phật pháp" nhằm cung cấp hành trang từ bi và trí tuệ trên con đường noi gương đức Từ Phụ Thích Ca chuyển hóa khổ đau, giải thoát, giác ngộ đến các quý Phật tử.


Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, chỉ có mỗi đức Phật Thích Ca Mâu Ni là được tôn thờ. Còn trong Phật giáo Đại Thừa, bên cạnh Phật Bổn Sư, Tăng Ni và Phật tử còn thờ phụng thêm rất nhiều các vị Phật quá khứ, Phật tương lai và các vị Phật trong hiện tại ở các hành tinh khác. Ngoài ra, trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa, người ta còn thờ thêm các vị Bồ tát, tức các bậc tỉnh thức, đạt được tuệ giác gần bằng chư Phật. Một mặt, các vị đó đã vẫy tay chào sanh tử, luân hồi; mặt khác, các vị đang hoàn thiện bản thân trên nhiều phương diện để trở thành bậc Giác Ngộ như đức Phật. Trong đó, các vị Phật như Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc và hai vị Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Địa Tạng là được đại đa số tín đồ Phật giáo tôn thờ.

Trong việc thờ phụng các tôn tượng Phật và Bồ-tát, chúng ta có thể linh động chọn tượng đứng hoặc ngồi, chất liệu bằng đồng, gỗ, đá, composit, tranh ảnh,... đều được, tùy theo điều kiện tài chính, cảm nhận thẩm mỹ cá nhân, không gian bày trí điện thờ, bàn thờ,... Khi thờ Phật hoặc Bồ-tát, chúng ta không nên trông ngóng vào sự cầu nguyện, mong chờ vào tha lực của các Ngài để ban phước, đỡ nạn cho mình. Vì như thế là chúng ta chưa đi sâu vào việc học tập, hành trì và ứng dụng đúng đắn lời Phật dạy.

Điển hình như việc thờ Bồ-tát Quán Thế Âm chính là học theo gương hạnh của Ngài. Thứ nhất là công hạnh từ bi. Với bi là sự thông cảm sâu sắc trước mọi nỗi khổ, niềm đau của tha nhân; vượt qua sự ích kỷ, thờ ơ của bản thân mình. Còn từ là sự mang lại năng lượng an lành, nụ cười, hạnh phúc, niềm vui đến những người kém may mắn hơn mình. Do đó, việc noi gương công hạnh của Bồ-tát Quan Âm không phải là cầu nguyện phước báu cho riêng mình, mà đó là chia sẻ, ban tặng phước báu cho người thân, họ hàng bạn bè và tất cả mọi người. Khi đó, chúng ta sẽ là những hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm trong đời thường.

Điều thứ hai mà chúng ta cần học tập ở Bồ-tát Quán Thế Âm chính là công hạnh lắng nghe, thiết lập sự cảm thông đối với tha nhân bằng cách giúp họ nhận ra các nguyên nhân của khổ đau và phương pháp giúp giải quyết những khổ đau đó. Đó là sự lắng nghe mang tính trị liệu. Từ đó, việc lắng nghe của chúng ta mới có hiệu quả, có giá trị, có hữu ích.

Điều thứ ba từ Ngài mà chúng ta cần noi theo chính là hạnh ban tặng sự không sợ hãi. Người đang khủng hoảng thì ta nên lên dây cót tinh thần cho họ. Người đang bỏ cuộc, buông xuôi mọi thứ thì ta nên động viên, khích lệ, tạo động lực sống cho họ. Người đang bế tắc thì ta phải chỉ một con đường sáng để cho họ bước đi.

Điều thứ tư, đó là sự làm chủ lỗ tai, tức là làm chủ sự nghe. Chúng ta phải làm chủ được tâm mình kể cả khi nghe được lời ngon ngọt, êm ái, dịu dàng, dễ chịu hoặc lời khó ưa, hằn học, đâm chọt, xỏ xiên, xấu ác. Nghe mà không bị đắm chìm, tiêm nhiễm sự khổ đau chính là từ bản lĩnh làm chủ cảm xúc của bản thân. Nếu muốn hạnh phúc thì chúng ta đừng bận tâm những lời mà người ta nói về mình như thế nào, mà hãy quan tâm đến việc mình làm chủ cuộc sống của bản thân ra sao. Bằng cách đó, mình mới học được cách làm chủ sự nghe, sự nhìn như Bồ-tát Quan Thế Âm. Như thế, khi học và ứng dụng đúng bốn công hạnh của Bồ-tát Quan Thế Âm như đã nêu trên thì việc thờ phụng Bồ-tát Quán Thế Âm của chúng ta mới có giá trị và đạt được sự an lạc.

Bên cạnh Quan Thế Âm Bồ-tát thì Bồ-tát Địa Tạng cũng rất được tôn thờ phổ biến trong Phật giáo Đại Thừa. Ngài tượng trưng cho tâm lượng vĩ đại như quả địa cầu này, vượt lên trên sự nhỏ nhoi, ích kỷ, thờ ơ, vô cảm. Dù cho tất cả chúng sanh có nguyền rủa, oán hận, căm phẫn và thải ra những gì tiêu cực, xấu xa nhất lên quả đất này; thì đất đều dung chứa, đón nhận với tâm thế không trách móc, không ai oán, không hiềm hận. Vì vậy, khi thờ Ngài Địa Tạng, chúng ta phải học tập công hạnh bao dung, quảng đại như Ngài. Thứ hai, Trái Đất dung chứa rất nhiều hạt giống, mầm sống, có hạt không nảy mầm được, nhưng có hạt cũng phát triển mạnh mẽ thành vật thể sống tốt tươi. Cũng như vậy, trong mỗi con người chúng ta cũng có kho tàng hạt giống tiềm năng về sự thành công, thành tựu; hãy khôn khéo và nỗ lực khai quật, nuôi dưỡng và kích thích các hạt giống đó nảy mầm nhanh chóng. Điều ba, tương tự thế, trong kho tàng đất tâm, chúng ta cũng phải tìm cách gieo trồng, chăm sóc và phát triển các hạt giống thánh thiện như thương yêu, cảm thông, bao dung, hoan hỷ, buông xả,... Điều cuối cùng cần học hỏi khi thờ Bồ-tát Địa Tạng, đó là công hạnh hiếu thảo thông qua các câu chuyện tiền thân về sự báo hiếu của Ngài đối với cha mẹ mình.

Thánh nhân tiếp theo mà mọi người cần tôn thờ và tu học theo chính là đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Thứ nhất, chúng ta phải học hỏi tấm gương hy sinh bản thân, phụng sự nhân sinh, cứu giúp nhân loại theo gương lành của đấng Thiện Thệ. Thứ hai, đó là phẩm chất siêng năng tạo ra các phát kiến, sáng kiến, phát minh mang lại những giá trị cao đẹp, hữu ích cho tha nhân của Ngài. Bài học thứ ba mà Ngài dạy cho chúng ta chính là sự tận tâm, tận tụy, tận tình trong hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh, cứu người, giúp đời.

Thờ đức Phật A Di Đà với mong muốn được Ngài cứu độ về thế giới Tây Phương Cực Lạc, sống mãi mãi an vui, hạnh phúc là việc làm mà hầu như các hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ đều thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu cho thật đúng đắn về ý nghĩa hình tượng của Ngài. Thứ nhất, Ngài là đức Phật tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ vô biên - Phật Vô Lượng Quang; học theo công hạnh của Ngài, chúng ta phải trau dồi trí tuệ để vượt qua mọi khổ đau theo đúng ánh sáng của chánh pháp. Thứ hai, Ngài là Phật Vô Lượng Thọ, chữ thọ mang ý nghĩa chỉ thời gian, tức nói lên tính ứng dụng về sự phát triển bền vững trong các mối quan hệ như tình bạn, tình yêu, tình người hoặc trong sự đầu tư, sự hợp tác,... Điều thứ ba, người tu theo Tịnh Độ Tông cần phải: phát triển các căn lành lớn, tức là phá bỏ các tâm niệm tham lam, sân hận, si mê; có nhân duyên, phước báu lớn, tức là tạo nhiều điều kiện thuận lợi, tốt đẹp cho nhiều người cùng tu; lấy dữ liệu Phật pháp để ứng dụng trong cuộc sống từ các sự kiện như gió thổi, chim hót, nước chảy,...; niệm Phật nhất tâm bất loạn, tức là làm chủ được cảm xúc, làm chủ được tâm và buông bỏ mọi ý niệm. Khi hội tụ đủ những điều được nêu như trên thì không cần về thế giới Tây Phương của Phật A Di Đà, sống ở đâu chúng ta cũng đều được an lạc, hạnh phúc cả.

Vị Phật cuối cùng mà Tăng Ni, Phật tử Đại Thừa cũng tôn thờ phổ biến chính là Phật Di Lặc. Ngài là vị Phật tượng trưng cho sự từ bi. Ngài là vị có niềm vui tùy hỷ trọn vẹn, niềm vui tùy hỷ từ tâm; mang lại năng lượng bình an, nhẹ nhàng, thư thái cho mọi người. Do đó, khi thờ phụng Ngài, chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng phẩm chất hoan hỷ, vui vẻ, từ ái, thường xuyên tươi cười, lạc quan, yêu đời. Ý nghĩa thứ hai, Ngài tượng trưng cho sự bao dung, quảng đại, độ lượng; không chấp nhất, không để bụng để dạ, không ghim gút. Thứ ba, Ngài tượng trưng cho phẩm hạnh làm chủ sáu giác gian, không đắm nhiễm và chạy theo trần cảnh; trong mọi biến cố vẫn giữ được sự điềm tĩnh và bình an.

Cuối buổi pháp thoại, Thượng tọa đã nhắn nhủ một số bài học để các hành giả có thể xây dựng được cho mình những phương pháp, kỹ năng, lộ trình tu học Phật sao cho thật an lạc và hạnh phúc. Thứ nhất, người Phật tử phải ra sức tu học chân lý của đạo giác ngộ, tỉnh thức thông qua bốn bước giải quyết khổ đau - Tứ Thánh Đế: nhận thức được khổ đau, truy tìm nguyên nhân khổ đau, trải nghiệm an vui, diệt trừ khổ đau một cách đúng phương pháp. Thứ hai, chúng ta phải siêng năng thực tập thiền định để làm chủ cảm xúc, thái độ, hành vi, lối sống. Điều ba, chú tâm vào việc "mở con mắt tuệ" bằng cách đọc tụng, nghiên cứu, nghiền ngẫm và ứng dụng những lời hay ý đẹp trong các kinh sách chứa đựng lời Phật dạy. Cuối cùng đó là siêng năng làm phước và phụng sự nhân sinh, phụng sự xã hội.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thanh Phong

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận