CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

9 điều giúp cho tuổi trẻ trưởng thành vững vàng

Sáng ngày 17/07/2022, trong Lễ hội Quan Âm và Khóa tu Tuổi Trẻ lần 2, tại Chùa Ân Thọ, P.5, Tp. Tân An, tỉnh Long An, TT. Thích Nhật Từ đã có bài pháp thoại gửi đến các hành giả, mà phần lớn là các bạn trẻ thông qua chủ đề: "9 điều giúp cho tuổi trẻ trưởng thành".


Để có thể thành công trong cuộc sống thì điều đầu tiên đó là chúng ta phải sống và làm việc có phương pháp đúng đắn. Từ trình độ cử nhân trở lên, chúng ta được tiếp cận các phương pháp nghiên cứu để có thể dấn thân vào thế giới tri thức. Từ đó, ta dễ dàng đạt được những thành công trong học tập, công việc và cuộc sống. Nếu như không có cơ hội để đón nhận, trải nghiệm và thực hành theo các phương pháp mang tính khoa học, thì chúng ta có thể thân cận, học hỏi từ kinh nghiệm, thao tác, cách thức của những chuyên gia, những người có chuyên môn trong lĩnh vực mình cần mà học nghề, noi theo và thực tập theo. Chúng ta phải có sự ham học, đừng nên mặc cảm, tự ti hay tự cao mà đánh mất đi cơ hội làm giàu tri thức, kỹ năng cho bản thân mình.

Đều hai, siêng năng tư duy sáng tạo cũng là điều vô cùng quan trọng. Nhờ nó mà chúng ta mới có thể có được những khám phá mới, phát minh mới, đóng góp mới và thành quả mới. Chúng ta phải không ngừng đặt ra các câu hỏi tại sao, vì sao trong các vấn đề để có thể nghiên cứu chúng một cách bao quát hơn, đầy đủ hơn và nhiều phương diện hơn. Đào sâu vào việc tìm hiểu nguyên lý, quy luật của nhân, duyên và quả sẽ giúp chúng ta phát hiện ra nhiều điểm mới trong vấn đề hiện tại. Bằng không, với lối tu duy an phận thủ thường, "sai đâu đánh đó" thì chúng ta sẽ dễ đi vào lối mòn, tài năng sẽ không được phát huy và thành công thì khó đến hoặc chỉ đến trong quy mô, tầm ảnh hưởng vô cùng khiêm tốn.

Thái độ tư duy tích cực trước mọi hoàn cảnh xảy ra sẽ giúp cho chúng ta không phải chìm sâu trong các nỗi khổ, niềm đau do sự bất như ý, không toại nguyện, ngoài ý muốn gây ra. Cái nhìn tích cực là việc đặt cảm xúc theo hướng thăng hoa, vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Tuyệt đối không bao giờ được nghĩ rằng mình kém, dở, xấu, nghèo, bị xa lánh, bị ruồng bỏ,... vì những thái độ tiêu cực này sẽ khiến cho cảm xúc, tâm trạng của mình bị chùng xuống. Cho nên, trong mọi tình huống, chúng ta cần giữ nụ cười thật tươi, tâm trạng thật điềm tĩnh, sâu lắng, tìm kiếm các giải pháp tích cực để giải quyết các vấn đề. Có như thế, không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ dễ dàng vượt qua được các nghịch cảnh trong cuộc đời.

Điều thứ tư, dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, nhưng quan trọng nhất là ở tuổi trẻ, thì sự làm giàu tri thức là việc cần lưu tâm, để ý. Chúng ta phải tập cho mình thói quen đọc các quyển sách bổ ích về kiến thức, kỹ năng, tư duy và lối sống tích cực. Ngoài ra, tăng cường việc nghiên cứu, học tập và ứng dụng lời Phật dạy trong các kinh sách để làm đẹp tâm hồn, đạo đức, nhân cách của bản thân cũng là điều vô cùng thiết thực.

Tiếp theo, điều cần phải học tập để trưởng thành chính là đề cao sự lương thiện. Đó là lối sống có lương tâm và siêng năng làm điều thiện. Lương tâm là vệ sĩ giúp chúng ta ngăn chặn các thói quen, hành động xấu; bài trừ các hậu quả tiêu cực do vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Nhờ nó mà mình sẽ sống trong an vui, thanh bình, không lo lắng, không sợ hãi, không bất an. Đức Phật đã dạy cách giữ gìn lương tâm đó là không tham lam, không trộm cắp của không được cho; không làm tổn hại, thất thoát đến người khác. Bên cạnh đó, chúng ta cần xông xáo làm việc thiện lành. Có như thế, cuộc sống của mình mới ấm êm, hạnh phúc. Bởi siêng làm việc thiện, hạn chế làm ác giúp chúng ta tăng trưởng nhiều phước báu. Có phước thì mình sẽ dễ dàng bước qua được các nạn tai, nguy khó và cuộc sống của mình sẽ ngập tràn sự thuận duyên, may mắn, thiện lành.

Thứ sáu, chúng ta cần tăng cường sức khỏe trên ba phương diện là thể chất, cảm xúc và tâm. Siêng năng tập thể dục, thể thao, vận động cơ thể sẽ giúp cho thể chất của mình được nâng cao, ít bệnh tật, ít ốm đau. Về mặt cảm xúc, mình nên nuôi dưỡng các cảm xúc tích cực, hoan hỷ, lạc quan, yêu đời, phấn khởi... để cuộc sống an vui, hạnh phúc hơn. Về phương diện tâm, thực tập thiền sẽ mang lại nhiều lợi ích nhằm trưởng dưỡng sức mạnh nội tại, sự định tĩnh, vững vàng cho bản thân để giúp mình nhẹ nhàng vượt qua mọi chướng duyên và nghịch cảnh của cuộc đời.

Điều thứ bảy, không nên ích kỷ trong các mối quan hệ. Người ích kỷ có thói quen bắt buộc những người xung quanh phải đề cao mình, quan tâm mình và xem mình là quan trọng. Họ luôn luôn đặt quyền lợi của mình lên trên, lúc nào cũng hơn thua, tranh giành; trong khi sự đóng góp thì rất ít mà thành quả thì lại muốn hưởng nhiều. Họ vô cùng vô cảm, vô tâm, thờ ơ trước nỗi khổ, niềm đau của người khác; chẳng mang lại được giá trị hay điều gì hữu ích cho cộng đồng, xã hội. Họ tự tạo ra rào cản giữa mình và người khác. Chính vì vậy, chúng ta cần phải sống thật vị tha, bao dung, hòa nhã, siêng năng giúp đỡ, hỗ trợ mọi người. Từ đó, chúng ta sẽ được mọi người thương yêu, quý mến và nâng đỡ cho mình đến những bờ bến của vinh quang, thành công trong cuộc sống.

Điều thứ tám, chúng ta không nên giận dữ, mất kiểm soát trong cảm xúc. Nóng giận làm chúng ta rơi vào tình huống dễ phát ngôn không hay, kém tinh tế hoặc xấu ác; mà sau này khi bình tĩnh suy xét lại, nó sẽ khiến cho mình vô cùng xấu hổ, nuối tiếc, gây tàn phá các mối quan hệ cá nhân. Mình hãy nỗ lực kiểm soát cảm xúc để cho cơn giận không bị đè nén, không hể hiện ra bằng các lời nói, hành động làm tan vỡ hạnh phúc, niềm vui, tình bạn, tình yêu, tình người,... giữa chúng ta và mọi người xung quanh. Để vượt qua sự nóng giận, chúng ta cần có sự cảm thông với người đối diện. Còn về phía mình thì không nên phát ngôn bất cứ điều gì; tập trì hoãn phản ứng, phản kháng; theo dõi hơi thở để lắng dịu tâm trạng và thư thái đầu óc hơn.

Điều cuối cùng giúp cho tuổi trẻ được trưởng thành hơn, đó là biết thực tập buông xả. Và nội hàm đầu tiên của sự buông xả đó là sự hài lòng. Hài lòng chính là sự cố gắng, phấn đấu, nỗ lực hết mình theo đúng phương pháp; không đầu hàng, không bỏ cuộc; và kết quả cuối cùng dù có ra sao, chúng ta vẫn hoan hỷ, vui vẻ đón nhận nó. Tiếp theo, sự buông xả chính là điều mà khi mình thực hiện, nếu nó không hề mang được lợi lạc, hữu ích thiện lành, tốt đẹp gì cho bản thân và mọi người thì cũng phải nhanh chóng từ bỏ. Mà điển hình nhất là những nỗi khổ, niềm đau, sự oan trái, hận thù giữa người với người trong kiếp sống phù du, giả tạm này.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận