CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức"

Trong Khóa tu Mùa hè tại Chùa Hoàng Xá (xã Tân Hưng, huyện Hùng Cường, tỉnh Hưng Yên), chiều ngày 11/07/2022, TT. Thích Nhật Từ đã có buổi chia sẻ pháp thoại đến các em thiếu nhi, thiếu niên với đề tài: "Hương thơm đạo đức".


Mở đầu bài pháp, Thượng tọa gợi nhắc hình ảnh ý nghĩa mang tính ẩn dụ về loài hoa trong Kinh Pháp Cú. Một bông hoa cho dù xinh đẹp rực rỡ, đầy màu sắc và sức sống như thế nào, nếu như không có mùi hương thì cũng không hề có giá trị. Tương tự như vậy, một người dù nói hay, nói lời cao quý, có ý nghĩa đến đâu mà không đi đôi với việc làm thiện lành, hữu ích thì cũng như bông hoa không tỏa ra hương thơm. Cũng có câu Pháp Cú khác nói rằng hương thơm của các loài hoa không thể bay ngược gió và bị giới hạn khi được phát tán. Tuy nhiên, hương thơm của người đức hạnh thì tỏa đi khắp muôn phương, vượt mọi không gian và thời gian. 

Sau khi thành đạo, đức Phật đã tuyên bố chắc chắn rằng người cao quý chính là người có đời sống đạo đức, có phạm hạnh và những đóng góp tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng, xã hội, bất luận từ giới tính nào, giai cấp nào, tôn giáo nào hay sắc tộc nào,... Do đó, mỗi người chúng ta cần phải lựa chọn lối sống sao cho thật đạo đức để cuộc sống của mình trở nên có giá trị hơn và nhiều hữu ích hơn. 

Để nuôi dưỡng và phát triển "hương thơm đạo đức" đó, thì các em thiếu nhi, thiếu niên nên học hỏi các phẩm chất làm người cần thiết. Thứ nhất, đó là phẩm chất có niềm tin vào điều thiện. Thượng tọa chia sẻ rằng Sir Roger Gilbert Bannister là người vận động viên điền kinh đầu tiên trên thế giới hoàn thành đường chạy 1 dặm với thời gian dưới 4 phút vào năm 1952. Trong khi trước đó, có rất nhiều người không có niềm tin rằng sẽ có ai đó phá được kỷ lục này. Có thể nói, với niềm tin vững vàng, kiên cố và sự nỗ lực hết mình, vận động viên Bannister đã chiến thắng chính mình và chiến thắng những sự lo sợ, hoài nghi và bỏ cuộc của rất nhiều người về thành tích nêu trên. 

TT. Thích Nhật Từ còn kể lại câu chuyện phi thường về nhà bác học Albert Einstein. Thuở ấu thơ, khi đến tuổi cắp sách đến trường, cậu bé Einstein đã phải chuyển sang một ngôi trường khác dù cậu vô cùng thích thú, vui vẻ tại nơi học hiện tại. Lý do là vì hiệu trưởng ngôi trường đó cho rằng cậu quá ngu ngơ, khờ khạo và sẽ không theo kịp được chúng bạn. Mẹ của Einstein rất tuyệt vời và tâm lý, bà đã giấu đi thông tin đó, chọn một ngôi trường khác cho con trai mình và luôn luôn động viên, khích lệ con là người vô cùng đặc biệt, thông minh, tài giỏi. Chính từ niềm tin vào tiềm năng phi thường của bản thân mà người mẹ đã tiếp thêm sức mạnh, Albert Einstein đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo, phát minh và trở thành nhà bác học lỗi lạc, vĩ đại bậc nhất của thế kỷ XX. 

Thông qua câu chuyện về hai nhân vật nổi tiếng và đáng ngưỡng mộ trên, Thượng tọa gửi gắm bài học về niềm tin vào điều thiện, điều lành, sức mạnh nội tại và tiềm năng của bản thân, cộng với sự nỗ lực, phấn đấu không ngơi nghỉ sẽ giúp cho các em đạt được những thành công, ước mơ, mục tiêu trong cuộc đời của mình. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dùng những thành quả đó để đóng góp, cống hiến cho người, cho đời. 

Phẩm chất khiêm tốn là giá trị đạo đức cao quý thứ hai mà mỗi chúng ta cần học hỏi và vun bồi. Thông qua hình ảnh lúa chín say, chắc hạt, trĩu nặng đến nỗi ngã rạp sang một bên, cũng giống như trong văn hóa cúi gập người để chào hỏi và xin lỗi của người Nhật Bản, TT. Nhật Từ nhắn nhủ các em thiếu nhi về phẩm hạnh khiêm tốn, luôn coi mình là nhỏ bé, không được tự cao, tự đại, ngã mạn, hống hách. Dù cho chúng ta có tài giỏi, xinh đẹp, giàu sang,... đến đâu thì cũng phải luôn luôn khiêm cung, không khoe khoang, phách lối và xem thường, khinh khi người khác. Có như vậy, chúng ta mới được mọi người tôn kính, quý trọng và mến thương nhiều hơn. Về phía các bạn nhỏ, đơn giản nhất là việc phải thương yêu, kính trọng cha mẹ; không được khinh thường cha mẹ do họ ít được học tập giỏi giang, đầy đủ như mình ngày nay; hay chẳng hạn như tỵ nạnh, ganh đua với bạn bè mà đòi hỏi cha mẹ mua quần là áo lụa, mua điện thoại, trang sức, đồ dùng đắt tiền cho mình,... cũng là tật xấu cần được từ bỏ. Chúng ta cần phải sống thật khiêm tốn, từ lời ăn tiếng nói, cho đến các hành vi, lối sống, cách ứng xử đối với mọi người xunh quanh. 

Trong kinh Phật có câu "chân thật bất hư", tức là sự chân thật cần được đề cao, không nên sống giả dối, xảo trá. Sống chân thật thì gần gũi nhất chính là không trộm cắp và không nói dối. Cái gì không phải của mình, hoặc người ta không cho thì mình không được lấy. Vì khi bị phát hiện, mình sẽ bị rầy la, khiển trách, dè bỉu, chê cười, cho nên đó là việc làm vô cùng xấu hổ. Giả sử nếu như không ai phát hiện thì luật nhân quả cũng sẽ không bỏ sót mình, mình sẽ nhận lấy hậu quả xấu có đời sống thiếu thốn, thiếu hụt hoặc bị người khác lừa đảo, dối gạt. Về phương diện lời nói, chúng ta cần truyền thông đúng sự thật, đúng ý nghĩa, không thêm thớt, bịa đặt hay dựng chuyện thì uy tín của mình mới được nâng cao hơn. Sống ngay thẳng, chính trực là phẩm chất đạo đức cao quý mà ai ai cũng yêu mến và thương quý. 

Điều cuối cùng mà Thượng tọa muốn gửi gắm đến các em thiếu nhi đó là tinh thần năng nổ giúp đỡ mọi người, phụng sự nhân sinh. Khi sinh tâm hoan hỷ để làm việc thiện, để phụng sự, để công quả, để hy sinh mình nhằm mang lại lợi ích, những điều tốt đẹp cho người khác, thì mình luôn luôn có được nhiều phước báu, may mắn. Phước chính là vệ sĩ thật, hộ pháp thật giúp cho mình dễ dàng và nhẹ nhàng vượt thoát nhiều tai ương, khốn khó, trở ngại trong cuộc đời. Ngoài ra, người sống có giá trị trên đời là người biết cho đi chứ không phải chỉ nhận lại; biết sẻ chia, nâng đỡ, cứu giúp và làm việc thiện lành cho người khác; không ích kỷ, hẹp hòi, chỉ biết mỗi một mình mình; luôn hăng say, nhiệt tình, hết mình dấn thân, xung phong giúp đỡ người khác. Có được như thế, thì "hương thơm đạo đức" của chúng ta mới lan tỏa ngào ngạt khắp nơi, bay xa mọi phương trời để mang lại những điều hạnh phúc, an vui và lợi ích cho cuộc đời. 

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thông 
 

Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức" Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức" Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức" Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức" Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức" Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức" Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức" Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức" Chẳng có mùi hương nào đáng quý bằng "hương thơm đạo đức"
Bình luận