CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Những phẩm chất đạo đức cần có để bước qua ngưỡng cửa trưởng thành

Sáng ngày 16/07/2022, tại Chùa Pháp Hoa (phường Nghĩa Thành, huyện Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), TT. Thích Nhật Từ đã có bài pháp thoại cho hàng trăm bạn thanh thiếu niên trong Khóa tu Mùa hè với đề tài: "Bước qua ngưỡng cửa trưởng thành".


Tuy nhiên, dựa vào văn hóa của từng quốc gia mà sự trưởng thành được ghi nhận ở những nhóm tuổi khác nhau. Có rất nhiều đất nước đánh dấu độ tuổi trưởng thành ở con số 18, nhất là về phương diện luật pháp như các nước Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Việt Nam, Trung Hoa,... Nhưng sự trưởng thành theo nghĩa con cái có quyền tự quyết định và cha mẹ hạn chế đối đa sự can thiệp lên đời sống của con cái, được ghi nhận ở các nước phương Tây là số 16. Đánh giá sự trưởng thành thông qua độ tuổi trong văn hóa và sự quy định của pháp luật chính là một sự sai lầm. Vì ở độ tuổi 16 hay 18 thì nhận thức, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống vẫn chưa hề nhiều, dễ mắc vào các sai lầm của tuổi trẻ như quan hệ trước hôn nhân, trở thành cha mẹ ở độ tuổi non nớt, nạo phá thai do thiếu thốn kiến thức nuôi con, vướng vào các tệ nạn xã hội, có công việc bấp bênh, vô định,... Nếu gặp phải những trường hợp đó thì cuộc đời dường như ngập tràn vô vàn khó khăn, bế tắc, tăm tối. Do đó, người khôn ngoan, có trí là phải biết chuyên tâm đầu tư về giáo dục, tri thức và chuyên môn công việc để sự trưởng thành của mình vững vàng hơn, chắc chắn hơn và có nhiều giá trị hữu ích hơn.

Sự trưởng thành của một cá nhân không phải chỉ được đánh giá về mặt tri thức hay sự nghiệp, mà quan trọng hơn đó chính là những giá trị cao đẹp, sự cống hiến, đóng góp của mình cho cuộc đời, cho xã hội. Mà khi nhắc đến mình, người ta chỉ có sự vui vẻ, tôn kính, khâm phục, ngưỡng mộ, biết ơn. Do đó, sự trưởng thành về nhân cách, đạo đức là điều cần được chú tâm đầu tư, vun bồi bằng các tính cách tự nhiên, thông qua sự dạy dỗ của người khác hoặc tìm hiểu, học hỏi các sách minh triết, nhất là các sách về Phật giáo.

Nhân cách đầu tiên mà các em học sinh cần nỗ lực hoàn thiện chính là tính trách nhiệm cao. Nếu công việc hay nhiệm vụ, bổn phận mà mình được phân công, đảm đương mà không hoàn thành được ở mức đạt yêu cầu thì được gọi là thiếu trách nhiệm. Các em cần có trách nhiệm trong việc lên thời khóa biểu sinh hoạt cá nhân mỗi ngày như học tập, vui chơi, vệ sinh thân thể, hoạt động thể thao, phụ giúp việc nhà,... Có như thế, các em mới vượt qua được thói xấu ích kỷ, dựa dẫm, ỷ y lại vào người khác. Tự rèn giũa bản thân sẽ giúp cho khả năng hòa nhập, thích nghi của mình trở nên tốt hơn, dù cho ở trong môi trường nào, điều kiện nào thì mình cũng đều có thể đối mặt và thành công.

Điều thứ hai đánh dấu sự trưởng thành chính là khả năng kiểm soát cảm xúc. Sự bất ổn trong cảm xúc sẽ nhấn chìm chúng ta bởi những nỗi khổ, niềm đau. Đừng quan trọng hóa những gì người khác thị phi về bản thân mình hay đừng cường điệu hóa những lời vu khống, xúc phạm, phỉ báng, xuyên tạc của người khác đối với mình. Như vậy, chúng ta mới không bị rơi vào các cảm xúc mặc cảm, tự ti, tuyệt vọng, chán chường, khổ não,... dẫn đến sự trầm cảm, tự tử. Bên cạnh đó, việc thực hành thiền để trải nghiệm sự an lạc trong hiện tại, khép lại những khổ đau trong quá khứ và lắng lo, bất an của tương lai là vô cùng cần thiết. Nó sẽ giúp cho nội tâm chúng ta vững mạnh hơn, bản lĩnh hơn, điềm tĩnh hơn và sâu sắc hơn.

Điều ba, chúng ta cần hài lòng và biết đủ ở hiện tại. Khác với người an phận thủ thường có trạng thái tâm kém phấn đấu, kém vươn lên, kém kiên trì, kém nhẫn nại; hoặc mặc dù mình có khả năng, điều kiện để thành công nhưng lại hay mặc cảm, tự ti; do đó không có đóng góp gì cho bản thân và xã hội. Thì người hài lòng và biết đủ là người biết nỗ lực đúng phương pháp, kiên trì không gián đoạn, không đầu hàng số phận, làm tốt nhất những gì có thể trong mọi hoàn cảnh, tình huống và điều kiện. Sau đó, cho dù kết quả có như thế nào, dù không như mong đợi, thì chúng ta vẫn hoan hỷ, vui vẻ đón nhận; không tự hành hạ và làm khổ cảm xúc bản thân. Ngoài ra, đó cũng là cách giúp chúng ta vượt qua bệnh cầu toàn, vốn dĩ luôn tự làm khó mình và làm khó người khác.

Sự chân thật, chân thành là một phẩm chất cao quý của sự trưởng thành. Về phương diện lời nói, truyền thông, chúng ta không được nói những gì sai sự thật, sai thông tin; không nói lời gây chia rẽ, tạo hận thù, kết oan trái, mà chỉ nói lời hòa hợp, lời xây dựng, lời hàn gắn, lời kết nối; không văng tục, chửi thề, nguyền rủa, trù ếm, mà chỉ nói lời lịch sự và có văn hóa; không nói chuyện thị phi, vô bổ, tào lao, phù phiếm. Chúng ta không cần phải nói nhiều, nhưng làm sao cho mỗi lời nói ra phải có giá trị, có chất lượng, đó mới là điều quan trọng. Ngoài ra, một yếu tố khác của sự chân thật chính là không trộm cắp, không gian tham và tôn trọng quyền sở hữu của người khác.

Điều năm, đó là nhân cách khiêm tốn, giản dị. Những gì chúng ta hiểu biết, khám phá, phát minh ra chỉ là những giọt nước nhỏ nhoi trong đại dương tri thức mênh mông, vô tận của nhân loại. Ai cũng sẽ có lĩnh vực mà mình giỏi và lĩnh vực mà mình dở, yếu, kém. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên có sự mặc cảm, tự ti vốn dĩ chỉ làm cho mình không thể phát huy được tiềm năng, tiềm lực vốn có của bản thân. Càng khiêm tốn chừng nào thì chúng ta sẽ càng giản dị chừng đó. Nhờ thế mà mọi người sẽ càng thương yêu, quý kính và tôn vinh chúng ta hơn.

Điều sáu, người biết, tin, hiểu và sống đúng với nhân quả là người có sự trưởng thành nhân cách cao đẹp. Nhờ tin nhân quả mà chúng ta biết sống hiền lương, sống lành thiện, sống tích cực; biết xa lìa và hạn chế làm những điều xấu ác, gây hại, tổn thất cho mình và cho mọi người. Bởi chính nhân quả là tác nhân, là đạo diễn, là tướng lĩnh điều khiển mọi vui buồn, sướng khổ, được mất, thành bại trong cuộc đời của mỗi người.

Trong phần hai của bài pháp thoại, Thượng tọa đã chia sẻ đến các bạn thanh thiếu niên 5 phẩm chất đạo đức đánh dấu sự trưởng thành trong lối sống, hành vi, cách ứng xử đối với tha nhân. Đầu tiên, đó là sự biết ơn và đền ơn mà trong Phật giáo có đề cập về bốn trọng ơn: ơn cha mẹ, ơn các bậc thầy chỉ dạy, ơn quốc gia, ơn chúng sanh muôn loài. Điều hai chính là biết chấp nhận các sự khác biệt để loại trừ sự ích kỷ, độc đoán, độc tài, bảo thủ của bản thân mình. Tiếp đó, chúng ta cần có sự hiểu biết, cảm thông, lắng nghe, chia sẻ với người khác. Thứ tư, trong công việc hay trong các mối quan hệ, chúng ta phải nêu cao tinh thần hòa hợp. Không gây sự, không kiếm chuyện, không hiềm khích; phải hạn chế tối đa những sự mâu thuẫn, tranh đấu tiêu cực cũng là điều đáng được lưu tâm.

Điều cuối cùng chính là luôn luôn học hạnh tán dương, khen thưởng và tùy hủy theo các điều thiện, điều tốt, điều lành, điều cao quý, điều có giá trị mà người khác làm cho mình và cho mọi người. Chúng ta hãy nỗ lực nhìn nhận các mặt tích cực của người khác để hoan hỷ theo. Khi tán dương, khen thưởng một người thì cần thực hiện nơi đông người để việc tốt, việc thiện được nhiều người đón nhận và làm theo. Còn khi cần góp ý, phê bình thì nên lựa lời trình bày với đối tượng ở nơi riêng tư, kín đáo để họ cảm thấy không bị xúc phạm, tổn thương. Nếu làm được tất cả những điều trên thì chúng ta mới thật sự được gọi là trưởng thành và tạo ra được những đóng góp có giá trị, có chất lượng, có hữu ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tin: Minh Lượng

Ảnh: Ngộ Trí Thông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận