CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam

Thể theo lời mời của Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi, Tp. HCM, TT. Thích Nhật Từ, Ủy viên HĐTS, Phó trưởng BTS GHPGVN Thành phố, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện PGVN tại Tp. HCM đã có buổi chia sẻ với hơn 150 chư Tôn đức Tăng Ni qua đề tài "Trụ trì với công tác đối nội, đối ngoại" trong Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì do Ban Trị sự của huyện tổ chức, vào sáng ngày 22/06/2022, tại Chùa Thiên Phước (huyện Củ Chi, Tp. HCM).

Mở đầu buổi pháp thoại, Thượng tọa đã chia sẻ về tình hình sụt giảm số lượng Phật tử tại Việt Nam hiện nay. Theo thống kê của Chính phủ vào năm 2019, dân số Phật tử nước ta chỉ khoảng 4,6 triệu người, đứng sau Công giáo về số lượng tín đồ. Điều này cũng đã được Thượng tọa dự báo trước từ năm 2002. Đây là một sự thật đáng buồn sau suốt 2.600 năm Phật giáo Việt Nam du nhập, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng, giữ gìn và phát triển đất nước. Đó là thực trạng đáng báo động về cách hành đạo chưa hiệu quả của cộng đồng Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam. 

"Chúng ta phải nghiêm túc thừa nhận rằng Phật giáo Việt Nam rất yếu kém trong việc xây dựng truyền thống gia đình Phật tử "nhà nòi", không chú trọng tạo điều kiện và định hướng con cái, cha mẹ, người thân, họ hàng,... phát tâm làm người con Phật ngay từ thuở ấu thơ. Trong khi điều này bên các tôn giáo bạn làm rất tốt, khiến cho việc gia tăng tín đồ vô cùng hiệu quả." - TT. Thích Nhật Từ nhận định. 

Thượng tọa cho biết mỗi năm Chùa Giác Ngộ đều tổ chức lễ quy y Tam Bảo 12 lần, mỗi lần thu hút từ 700 đến 1.500 người đăng ký, trung bình mỗi năm có đến hơn 12.000 người phát nguyện làm người con Phật. Nếu như toàn bộ 19.000 ngôi chùa tại  Việt Nam chỉ cần đồng lòng tổ chức lễ quy y vào ba ngày rằm lớn trong năm vào tháng giêng, tháng tư, tháng bảy với mỗi lần 100 người đăng ký thôi, thì tin chắc rằng số lượng Phật tử của nước ta càng ngày càng gia tăng rất lớn. Thành tựu đáng mơ ước này sẽ thành sự thật nếu như quý chư Tôn đức Tăng Ni đầu tư hoằng pháp qua công cụ truyền thông, kỹ thuật số và nâng cao vai trò đạo sư trong việc hướng dẫn Phật tử tu học theo lời Phật dạy. 

Tăng Ni cần phải dấn thân, lăng xả phụng sự khắp mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng. Bên cạnh việc siêng năng làm từ thiện, công tác xã hội, cứu trợ, quyên góp,... giúp đỡ các cá nhân, tập thể, tổ chức kém may mắn, chúng ta cần thực hiện song song cùng lúc với việc thuyết giảng Phật pháp, truyền bá chân lý diệt trừ khổ đau, đắp xây hạnh phúc mà đức Phật đã chỉ dạy. Việc này là hoàn toàn đáp ứng đầy đủ về nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần cho quần chúng nhân dân. Mặt khác, nó lại thể hiện đúng với tôn chỉ tu tập "phước huệ song tu" mà giáo lý lục độ hay thập ba-la-mật của các hệ phái Phật giáo đã chủ trương. 

Trong buổi pháp thoại, Thượng tọa đã chia sẻ các giải pháp nhằm gia tăng dân số Phật tử thông qua các khóa lễ, sự kiện, chương trình Phật giáo phổ biến bên cạnh lễ quy y Tam Bảo thường xuyên. Thứ nhất, thông qua các khóa lễ cầu an tại chùa, Tăng Ni hướng dẫn quần chúng, Phật tử cam kết đến tham dự. Từ cơ hội ban đầu giúp cho bà con, quần chúng hữu duyên đến chùa cầu nguyện những điều an bình, hạnh phúc, thành công về sức khỏe, sự nghiệp, công danh,... cho bản thân, gia đình; kết hợp cùng các thời pháp thoại dài ngắn của quý Tăng Ni. Thì sau khi cảm nhận được những giá trị an lạc, trước hết về tinh thần, các thiện nam, tín nữ cùng thân quyến sẽ có niềm tin đúng đắn trong việc phát tâm quy y Tam Bảo, làm người con Phật. Muốn làm được điều đó, thì các nghi thức, bài kinh trong lễ cầu an hoặc các khóa lễ khác của chùa phải được Việt hóa, sao cho dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu, thì Phật pháp càng dễ tiếp cận với quần chúng nhân dân hơn. 

Thứ hai, bên cạnh cầu an thì khóa lễ cầu siêu cũng vô cùng quan trọng, không nên xem nhẹ.Trước khi vào lễ chính, Tăng Ni  chúng ta cần có những lời an ủi, động viên, hỏi thăm kèm thuyết giảng ngắn cho thân quyến của người đã mất, đặc biệt là những người đóng vai trò quan trọng, ra quyết định, có sức ảnh hướng lớn trong gia đình, dòng họ. Ngoài ra, chúng ta nên chỉ dẫn họ lắng nghe những bài pháp thoại phù hợp và cần thiết để vượt qua những tâm lý cô đơn, đau buồn, mất mát và tiêu cực. Quan trọng nữa chính là Tăng Ni phải góp ý, khuyên can người thân không nên đốt vàng mã, mở cửa mã, giải trùng tang,... cho người mất, vốn chỉ là mê tín dị đoan; thiết thực nhất chính là siêng năng tu tập các công đức lành hồi hướng cho họ. Vào các ngày cúng thất, ngày giỗ, Tăng Ni phải tổ chức cầu siêu tại chùa để người thân của hương linh tham dự, thể hiện lòng tri ân; vượt qua tâm lý quyến luyến, đau thương; cảm nhận triết lý vô thường và tránh hoạt động ăn nhậu, tán dóc khi tổ chức đám tiệc tại nhà. Bằng tất cả các hoạt động đó, thân quyến, gia đình, họ hàng, bạn bè,... của người mất sẽ có thiện cảm với đạo Phật, nhận ra được những giá trị tích cực từ giáo lý nhà Phật trong cuộc sống mà phát tâm thọ nhận và hành trì lời Phật dạy. 

Điều thứ ba trong các giải pháp giúp gia tăng dân số Phật tử chính là việc tổ chức các khóa tu, nhất là vào dịp cuối tuần để tạo điều kiện thuận lợi cho Phật tử và người thương mến đạo Phật tham gia. TT. Thích Nhật Từ cho rằng việc chỉ tập trung làm đạo để phục vụ cho giới bình dân, phần lớn là người già, khiến cho cộng đồng Phật tử Việt Nam bị "lão hóa" nhanh chóng. Và khi họ dần dần qua đời thì số lượng Phật tử trẻ tiếp nối lại quá ít để bù đắp, thay thế, từ đó dẫn đến sự thuyên giảm về tín đồ Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, các nhà hoằng pháp phải mở rộng việc phục vụ cho các lứa tuổi khác như thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên và các thành phần xã hội còn lại bao gồm giới trí thức, giới kinh doanh, giới chính trị, giới nghệ sĩ,... bằng các khóa tu phù hợp, các thời khóa đa dạng cho từng đối tượng. Có như thế, Phật giáo mới phát triển nhiều hơn cả về số lượng và chất lượng tu học, phụng sự của hàng cư sĩ tại gia. 

Điều cuối cùng, sức mạnh của truyền thông, công nghệ, kỹ thuật số và mạng xã hội chính là nhịp cầu rộng lớn giúp quần chúng nhân dân tiếp cận đạo Phật nhanh chóng và hiệu quả. Các Tăng Ni, các chùa phải mạnh dạn xây dựng, đầu tư và phát triển hệ thống, mạng lưới truyền thông, thông tin hoằng pháp online thông qua các nền tảng như website, Youtube, Facebook, Tiktok, Instagram, Zalo,... Chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền bá giá trị an lạc từ chân lý Phật bằng các ấn bản, ấn phẩm truyền thông mạng như: kinh sách điện tử online, video pháp thoại, audio nhạc Phật giáo, hình ảnh sự kiện, video livestream khóa tu,... để cùng nhau lan tỏa thông điệp từ bi và trí tuệ của Đấng Đạo Sư Thích Ca Mâu Ni trong đại nguyện hoằng pháp độ sinh mà biết bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử chúng ta đã và đang noi theo học tập. 

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Trí Thuận 

TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam TT. Thích Nhật Từ chia sẻ kinh nghiệm giúp gia tăng dân số Phật tử Việt Nam
Bình luận