CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Khuyến khích Phật tử trẻ chung tay bảo vệ môi trường

Chiều ngày 26/03/2023, khoá tu Tuổi trẻ hướng Phật lại được diễn ra tại chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM) thu hút trên 400 Phật tử trẻ vân tập về tham dự. Từ các thời khoá cố định, các hành giả được quay trở về nội tại tự thân, trọn lành trong phút giây an lạc của hiện tiền.

Quang lâm đạo tràng khoá tu, TT. Thích Nhật Từ, Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ đã gửi đến các hành giả trẻ thời pháp thoại ý nghĩa làm sáng tỏ lý do có tín ngưỡng cây bồ đề của Phật giáo, đồng thời từ hình ảnh cây bồ đề nhắc nhở lý tưởng bảo vệ môi trường, đồng hành cùng cộng đồng trong hành trình “xanh hóa”, “sạch hóa” đời sống.

Theo đó, Thượng toạ Trụ trì đã xác tính lại các sự kiện gắn liền với cuộc đời của Đức Phật khi Người còn tại thế. Từ cuộc hành trình thiêng liêng tìm Đạo của Đức Thế tôn, gợi nhắc nhiều ý nghĩa có tính chỉ đường cho mỗi hành giả trẻ tham gia khoá tu tại chùa Giác Ngộ.

Nhắc lại các các câu chuyện gắn liền với cội cây bồ đề thiêng thời Đức Phật, Thượng toạ cho biết, năm 247 (TCN), vua A Dục đã cho chiết một nhánh phía Nam của cây bồ đề thiêng ở Bodh Gaya, Ấn Độ (nơi Đức Phật thành đạo) và phái Công chúa Sangha Mitta đem sang tặng cho quốc đảo Sri Lanka. Thượng toạ cho biết thêm, chiều ngày 25/03/2023, cây bồ đề được máy bay đưa từ Sri Lanka về Việt Nam theo nghi thức đặc biệt, trong sự chờ đón của đông đảo Tăng, Ni, Phật tử và du khách. Đây là cây bồ đề được chiết từ "cây bồ đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya-Sri-Maha-Bodhi) ở Thánh tích Maha vihara, Cố đô Anura dha pura, quốc đảo Sri Lanka.

Nhân đây, Thượng toạ cho biết một số thông tin về các cây bồ đề chiết nhánh từ cây bồ đề tại Sri Lanka ở một số ngôi chùa tiêu biểu của Việt Nam.

Cốt lõi của Đạo Phật là minh triết, sáng suốt, đi ngược lại con đường tín ngưỡng, mê tín của ngoại đạo. Do vậy, hình ảnh cây bồ đề nhắc nhở đến Đức Phật với ngụ ý ngưỡng vọng về người khai sáng, người mở đường, người dẫn đầu. Không nằm ngoài mục đích thờ phượng, sùng bái cực đoan cây bồ đề. Đó chính là nhắc nhở mà Thượng toạ Trụ trì gửi đến hơn 400 hành giả trẻ hiện diện tại khoá tu.

Nói về sự kiện giờ Trái đất diễn ra tối ngày 25/03/2023, TT. Thích Nhật Từ cho biết gần bốn thập niên qua, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các yếu tố cực đoan của môi trường đã tác động và có ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống của cộng đồng dân cư thế giới. Sự kiện giờ Trái đất với ý nghĩa giảm và hạn chế tiêu thụ điện năng trong một giờ. Sự kiện đó là một đóng góp cộng hưởng có giá trị to lớn góp phần bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, hạn chế tiêu thụ lãng phí điện năng. Nhân đây, TT. Thích Nhật Từ kêu gọi các hành giả trẻ cần tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng, tiết kiệm thức ăn, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường. Qua đó, đóng góp cụ thể vào tiến trình bảo vệ môi sinh chung của cộng đồng.

Dưới góc độ người Phật tử bảo vệ môi trường là thiết thực nương theo tấm gương sáng ngời của Đức Phật. Người đã sinh ra, xuất gia, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn dưới cội cây. Hơn hết, cả cuộc đời hành đạo của Người cũng gắn liền với những tán cây rợp bóng. Là người con Phật, chúng ta cần học tập cuộc đời hành đạo của Đức Thế tôn - gần gũi với thiên nhiên, nương vào thiên nhiên để tồn tại.

Tin, ảnh: Quang Tròn, Minh Đức

Bình luận