CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người?

Trong ngày thứ tư của Khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên lần thứ 9, tại Chùa Giác Ngộ, sáng ngày 24/08/2022, ĐĐ. Thích Thiện Tuệ đã nhắn gửi những lời pháp vô cùng ý nghĩa và sâu sắc đến 90 hành giả thông qua đề tài: "Đi tu để làm gì?". 

Đầu tiên, Đại đức đã giải thích sơ bộ về ý nghĩa của từ "xuất gia". Xuất gia gồm có ba ý nghĩa, đó là: ra khỏi ngôi nhà thế tục (căn nhà nơi mình ở), ra khỏi ngôi nhà phiền não (thoát khỏi những tập khí tham sân si của bản thân), ra khỏi ngôi nhà Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Xuất gia là con đường tuy khó khăn, gian nan, vất vả nhưng lại là con đường cao thượng nhất, thiện lành nhất, tốt đẹp nhất của một kiếp người. Bởi người xuất gia không những giúp ích được cho bản thân mình, mà còn có thể mang lại những giá trị tích cực, an lạc, hạnh phúc về vật chất, tinh thần và tâm linh cho người khác. 

Dục giới, cõi mà chúng ta đang tồn tại, sinh sống, là nơi mà phần lớn chúng sanh đều chìm đắm, trầm luân trong ngũ dục và các khoái lạc giác quan. Và chính vì sự mải mê, tham lam, hưởng thụ các dục tính, dục vọng, dục lạc ấy, mà chúng ta đã tỷ kiếp, triệu kiếp liên tục luân hồi, sanh tử trong vô vàn khổ đau, phiền não. Do đó, để thoát khỏi những nỗi khổ, niềm đau ấy, để làm chủ được sự an lạc, hạnh phúc nơi tự tâm, đạo Phật chủ trương đề cao sự ly dục - tinh thần rốt ráo của nhà Phật. Bởi thế, người xuất gia là người đi ngược lại dòng đời luôn tất bật, hối hả, say sưa trong các lợi dưỡng; quyết chí tu sửa thân tâm, trau dồi giới - định - tuệ và cống hiến sức mình để truyền bá lời Phật dạy, phụng sự nhân sinh nhằm mang lại sự bình an, hỷ lạc và chuyển hóa ưu sầu, khổ não cho bản thân và tha nhân. 

Con đường xuất gia không hề dễ dàng, nhẹ nhàng và đơn giản. Bởi dù cho chúng ta có thể đi đến cùng trời cuối đất để du lịch, tham quan mọi địa điểm trên Trái Đất hay bên ngoài vũ trụ. Nhưng suốt cuộc đời này hoặc thậm chí suốt nhiều đời kiếp sau, chúng ta cũng chưa thể khám phá hết thế giới nội tâm vô cùng bất ổn, khó hiểu, nhiễu nhương và hỗn loạn của chính mình. Vì vậy, việc đi tu để trở về với tự tâm của bản thân nhằm sửa đổi, điều chỉnh những suy nghĩ, lời nói, hành động của mình trở nên thanh tao, thiện lành hơn với chất liệu của từ bi, trí tuệ là việc làm vô cùng gian khó. Tuy nhiên, đó lại là con đường vô cùng xứng đáng, cao quý cho những ai thật sự mạnh mẽ, kiên trì, nghị lực và không hề chán nản, thoái lui, bỏ cuộc. Vì an lạc của đời tu là niềm hạnh phúc vô bờ mà tiền tài, danh vọng, quyền uy,... hay bất cứ thế lực nào cũng không thể đánh đổi được. 

Nếu như tu học theo đúng lý tưởng, đúng mục đích, đúng phương pháp, đúng kỹ năng; được thân cận, học hỏi thầy lành, bạn tốt; tinh tấn, bền bĩ trau dồi pháp học lẫn pháp hành; và yêu thích, hỷ lạc với việc tu, thì đời sống xuất gia của các hành giả mới thật sự có ý nghĩa và có giá trị. Do đó, một vị tu sĩ Phật giáo phải biết cách "giữ mình" để vượt qua những hương vị có thể gây cản trở, thoái lui, hủy hoại đời tu, chính là: vị ngọt, vị đắng và vị tẻ nhạt (vô vị). Trước hết, người tu phải cẩn thận với vị ngọt; đó là những tiện nghi vật chất, lối sống văn minh, hiện đại, đủ đầy, sung túc. Bởi chúng chính là những "bóng ma" âm thầm khơi gợi, mời gọi và thao túng tâm tham nhiễm, hưởng thụ ái dục, lợi dưỡng của mình. Mà mục đích của việc tu ấy là càng tu càng buông bỏ, càng xả ly; chứ không phải thu gom, ôm ấp, chất chứa thêm bất cứ thứ gì gây tổn hại cho đời sống phạm hạnh của mình. 

Vị nguy hiểm thứ hai cho người tu là vị đắng. Trái ngược với sự đầy đủ đó là sự thiếu thốn, kém duyên thiếu phước. Đi tu mà điều kiện sức khỏe chưa thực sự phù hợp; muốn đi học mà lại thiếu tiền học phí, không có phương tiện di chuyển, không có tập sách,...; hay không được gặp thầy lành, bạn tốt; hoặc không có pháp học, pháp hành đúng đắn, thiết thực;... thì đều là những sự cản trở cho bước đường tu hành của mình. Đôi khi, những chướng duyên lại xuất phát từ chính bản thân vị hành giả, bắt nguồn từ tập khí tham sân si, thân tâm không được nuôi dưỡng bởi sự tỉnh thức, an lạc, thảnh thơi. Từ đó, chúng khiến cho mình chán nản, tuyệt vọng, khổ đau mà quyết định thoái lui, hoàn tục. 

Và cho dù là vị đắng hay vị ngọt, nếu biết cách khéo léo nhìn nhận, kiểm điểm, sửa chữa lại bản thân, thì người xuất gia vẫn có cơ hội để vượt qua các trở ngại, chướng duyên ấy mà chiến thắng chính mình, tiếp tục lý tưởng thanh cao. Tuy nhiên, sự vô vị, tẻ nhạt của đời tu mới là điều nguy hiểm, đáng sợ và khó khăn, thử thách mà chúng ta cần phải mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua. Đó là sự mông lung, vô định, lạc lối, bơ vơ giữa bốn bức tường nhà Phật. Mình tu mà không xác định được tu để làm gì, tu có lợi ích gì. Mình tu nhưng không có được niềm hỷ lạc, bình yên, hạnh phúc, khinh an. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chính yếu vẫn là do mình tu vẫn chưa đúng phương pháp và tự thân tự tâm không thực sự yêu thích đời tu, từ các pháp học lẫn đến pháp hành. 

Chính vì những lý do nêu trên, mà người xuất gia cần phải xác định rõ ràng ngay từ ban đầu rằng mục đích, lý tưởng đi tu của mình là gì. Đức Phật đã dạy rằng người xuất gia khi lìa xa cuộc sống trần tục sẽ hướng đến đời sống phạm hạnh, thanh tịnh để làm lợi lạc cho bản thân, thân bằng quyến thuộc và tất cả chúng sanh. Và để có thể tiến xa trên con đường tâm linh ấy, người xuất gia phải thực sự bản lĩnh, mạnh mẽ, kiên cường, nghị lực vượt qua mọi chướng duyên, trở ngại trong đời tu bằng sự kham nhẫn, bằng việc trau dồi giới - định - tuệ. Cũng không kém phần quan trọng, đó là vị ấy phải tu học đúng phương pháp, yêu thích và chuyên tâm đầu tư, phát triển cả pháp học lẫn pháp hành. Noi theo gương hạnh của chư Phật, chư Hiền Thánh Tăng, chư vị thiện hữu tri thức, vị ấy thân cận, gần gũi tu học và hành trì chánh pháp. Và cuối cùng, đó là bên cạnh việc duy trì sự tu học của bản thân, chúng ta luôn hoan hỷ, nỗ lực phụng sự nhân sinh, mang ánh sáng Phật pháp soi rọi khắp thế gian. Làm được như thế thì đời tu của chúng ta mới thực sự có giá trị và lợi lạc cho chính mình, cho mọi người, mọi loài và cho cả cuộc đời này. 

Tin: Minh Lượng

Ảnh: Thanh Phong

Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người? Đi tu như thế nào cho lợi mình và lợi người?
Bình luận