CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật

Sáng 26/08/2022, trong ngày thứ sáu của Khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên lần thứ 9, tại Chùa Giác Ngộ, NS. Thích Nữ Liễu Pháp đã giải đáp cho các hành giả về ý nghĩa thực sự của việc tu học Phật qua bài pháp thoại với chủ đề: "Thực tập 10 ba-la-mật trên tinh thần buông bỏ". 

Ni sư nhận định rằng tuy 90 hành giả chỉ xuất gia gieo duyên 7 ngày, nhưng về mặt hình thức lẫn nội dung tu học thì các vị đều là người xuất gia thật sự và có phước báu không thể nghĩ bàn. Và phước báu sẽ càng to lớn hơn khi nó tỷ lệ thuận với sự hoan hỷ, tín thành, nhiệt huyết, tinh tấn cùng với thời gian tồn tại của các thiện tâm trong suốt những ngày tu. Mặt khác, ở cuộc sống tại gia thì mục tiêu của người đời chính là phải cố gắng tích lũy tài sản, danh vọng, địa vị, tiền bạc,... càng nhiều càng tốt. Nhưng cuộc sống xuất gia, tu tập chân chánh thì việc buông bỏ, xả ly càng nhiều mới là vấn đề cần lưu tâm. Tuy nhiên, có nhiều người nghĩ là đi tu hay tu tập thì cũng phải tích lũy: tích lũy ba-la-mật. Nhưng Ni sư chia sẻ rằng quan điểm đó chưa đúng, chúng ta phải nghĩ rằng ba-la-mật là buông bỏ thì việc tu học của mình mới ngày càng tiến dần đến giải thoát, giác ngộ. Bởi lối suy nghĩ tích lũy ba-la-mật sẽ khiến cho mình ngày càng thu gom nhiều phước báu hữu lậu cho lộ trình tiếp tục sanh tử luân hồi mà thôi. 

"Ba-la-mật" hay "ba-la-mật-đa" được phiên dịch từ chữ "parami" hay "paramita". Nó có nghĩa là "bờ bên kia" hay "đáo bỉ ngạn". Ba-la-mật chính là các pháp đưa con người từ bờ bên này (sanh tử, luân hồi, khổ đau, phiền não,...) để sang được bờ bên kia (an lạc, hạnh phúc, Niết bàn, giải thoát, giác ngộ,...). Do đó, ba-la-mật sẽ giúp cho các hành giả tu tập giáo lý nhà Phật có cơ hội buông bỏ đi những não phiền, đau khổ mà nhẹ gánh nghiệp phàm để dễ dàng tiến đến bến bờ của những bậc Thánh nhân. Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền thì có giáo lý 6 ba-la-mật, còn trong tư tưởng Nam truyền thì lại giới thiệu đến 10 ba-la-mật, đó là: bố thí ba-la-mật, trì giới ba-la-mật, xả ly ba-la-mật, trí tuệ ba-la-mật, tinh tấn ba-la-mật, nhẫn nại ba-la-mật, chân thật ba-la-mật, chí nguyện ba-la-mật, tâm từ ba-la-mật, tâm xả ba-la-mật. 

Đầu tiên, khi thực hành pháp bố thí, chúng ta hay vướng vào sự mong cầu, ước nguyện rằng bố thí để được phước báu, để hết nghèo, bớt khổ,... Đó là suy nghĩ khiến cho mình không phát triển được hạnh bố thí ba-la-mật. Bởi bố thí ba-la-mật chỉ thành tựu khi xuất phát điểm của mình là phát khởi lên suy nghĩ rằng mình quá tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt, vướng mắc, ích kỷ mà tích lũy mọi thứ cho bản thân. Vì vậy, mình bố thí để xả bỏ tánh tham lam, dính mắc - nguồn gốc của khổ đau, ưu sầu. Đó mới thật sự là sự bố thí ba-la-mật. 

Điều hai, khi thực tập trì giới, chúng ta ngăn chặn được các hành vi xấu ác qua thân, khẩu của mình để không gây tổn hại, thương đau cho mình lẫn cho người. Chứ không phải giữ giới để mong cầu được người ta tôn trọng, quý kính, ngợi khen hay khát khao để sinh lên cõi trời. Trì giới với mục đích bỏ bớt các hành vi xấu ác của bản thân như thế mới đúng nghĩa là trì giới ba-la-mật. 

Xả ly ba-la-mật là điều thứ ba trong thập ba-la-mật. Xả ly chính là buông bỏ những điều vướng mắc, buộc ràng, oan trái, oán kết khiến cho mình khổ đau; xả ly tất cả tham, sân, si trong ba nghiệp của bản thân. Thực tập được như thế chính là xả ly ba-la-mật. 

Điều bốn, trí tuệ ba-la-mật là sự nỗ lực buông bỏ các tà kiến, chấp thủ. Điều này cũng có rất nhiều người chưa hiểu đúng. Bởi chúng ta dễ bị kiến thức, sự hiểu biết của bản thân đánh lừa và tự xem rằng mình thấu hiểu rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi những hiểu biết đó chưa chắc đã thực sự chính xác, đầy đủ, khách quan, thậm chí chúng có thể vô cùng mơ hồ, mờ ảo. 

Điều năm là tinh tấn ba-la-mật. Tinh tấn là một pháp thiện lành, tuy nhiên nếu mình tinh tấn, siêng năng không đúng cách thì sẽ trở thành sự lăng xăng, áp lực, căng thẳng không cần thiết. Ý nghĩa thực sự của từ "tinh tấn", đó là "không buông lung", không phóng dật, không lười biếng, không giãi đãi. 

Nhẫn nại ba-la-mật là điều thứ sáu. Đó là việc chúng ta buông bỏ sự phản ứng, sự phản kháng. Khi người khác đem điều bất thiện đến cho mình, chẳng hạn như mắng chửi mình vô cớ, nếu mình phản ứng lại thì mình sẽ gây thêm ác nghiệp giống như họ. Chi bằng mình không phản ứng, hoan hỷ đón nhận khi nghĩ rằng có thể đây là quả của một nhân quá khứ mình đã từng chửi họ. Như thế, chính là một ví dụ về việc thực hành hạnh nhẫn nại ba-la-mật. Và mình nhẫn nại đúng nghĩa đó là không phản ứng với bất cứ điều khó chịu, gian nan, khổ cực, bất như ý nào từ bên trong lẫn bên ngoài bản thân tác động đến mình. Hành giả luôn luôn đón nhận chúng với tâm thế bình thản, an nhiên, tự tại, không than thở, trách móc, muộn phiền. 

Điều bảy là chân thật ba-la-mật. Đó là hạnh buông bỏ sự dối trá, luôn luôn tôn trọng sự thật và sống đúng với pháp chơn đế, sự thật rốt ráo của mọi sự vật, hiện tượng trên đời. Sống với pháp chân thật ba-la-mật là ta phải thấy được sự thật tuyệt đối và sự thật như thế nào thì nói ra đúng như thế đó, không giả dối, không lọc lừa, không cả nể, không hư ngụy. 

Trên nền tảng của các ba-la-mật đã nêu, chúng ta phát triển thêm điều thứ tám chính là chí nguyện ba-la-mật. Chúng ta phải luôn thực hiện song hành giữa việc tu tập cho bản thân và phụng sự nhân sinh, làm lợi ích, hỷ lạc cho nhiều người, cho nhiều chúng sanh. 

Thứ chín là tâm từ ba-la-mật. Chúng ta phải sống trọn vẹn với tâm nguyện làm gì cũng với mong muốn mang lại niềm an vui, hạnh phúc cho người khác, không hãm hại, không sân hận, không oán hờn, không vụ lợi. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng tâm từ ba-la-mật trái ngược hoàn toàn với tâm thương yêu luyến ái, vướng mắc tình cảm trên phương diện sở hữu. 

Điều cuối cùng đó là tâm xả ba-la-mật. Đấy là trạng thái tâm quân bình, không thương, không ghét, không chấp thủ. Với người tốt thì mình cũng không thương, không dính mắc. Tương tự vậy, còn với người xấu, mình cũng không ghét bỏ, lánh xa, diệt trừ. 

Như vậy, tinh thần của sự tu hành chính là buông bỏ, chứ không phải tích lũy. Khắc ghi tâm niệm và mục tiêu như thế thì hành giả tu Phật mới có thể viễn ly khỏi tham sân si, buộc ràng, oán kết; ngày càng an lạc, hạnh phúc, tự tại và giải thoát hơn. 

Tin: Minh Lượng

Ảnh: Ngộ Đức Phước

Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật Tinh thần buông bỏ từ việc thực hành 10 pháp ba-la-mật
Bình luận