CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị

Theo Thượng tọa, "đi tu" là một từ Việt Nam, diễn tả cho việc rời khỏi nhà và đến một nơi nào đó để tu tập. Đi tu là dấn bước trên hành trình tu tâm dưỡng tính; thay đổi thói quen, nhận thức, lối sống để trở thành một con người mới ưu việt hơn, hoàn thiện hơn, cao quý hơn. Việc đi tu trọn đời phần lớn chỉ dành cho người xuất gia chân chính thông qua việc giác ngộ chân lý Phật, bỏ lại sau lưng tất cả cơ hội hưởng thụ trần đời mà nép mình vào chốn thiền môn thanh tịnh. Bên cạnh lý tưởng giải thoát, giác ngộ của bản thân, người xuất gia còn có thiện tâm phụng sự nhân sinh, cứu độ chúng sanh cũng được an lạc, hạnh phúc, chuyển hóa khổ đau, phiền não như mình. Từ đó, các ngôi chùa tổ chức các khóa tu, chương trình tu học Phật pháp ngắn hạn trong vài tiếng, một buổi trong ngày, hoặc cả ngày hay vài ngày nhằm giúp cho người cư sĩ tại gia được tu tập giáo lý Phật-đà để nuôi dưỡng đời sống nội tâm, rèn luyện đạo đức, thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. 


Tuy nhiều khóa tu được mở ra tại các chùa, nhưng Phật tử tại gia đến tu học vẫn với tư cách là người đời, vẫn phải vướng bận nhiều gia duyên, lo toan của thế tục. Vì lý do đó, nhiều thiện nam, tín nữ đã tạm rời bỏ gia đình, người thân, nhà cửa, tài sản, điện thoại,... để tham dự khóa tu xuất gia gieo duyên, mà đơn cử như Chùa Giác Ngộ để "đi tu thử" trong 7 ngày với tư cách là một người xuất sĩ đầu tròn áo vuông thực sự. Đi tu thử là một trải nghiệm mà các Phật tử tại gia nên trải qua ít nhất một lần trong đời. Sau khi tu thử xong, nếu cảm thấy yêu thích nếp sống phạm hạnh, thanh cao, giúp mình lẫn cứu đời theo lời Phật dạy thì người tu thử sẽ phát nguyện chuyển sang "tu thiệt" đến trọn kiếp người; còn nếu như không thì về lại với đời sống gia đình, làm người tại gia nhưng vẫn tu học và hộ trì Phật pháp. 

Hiện nay, tại Việt Nam có một số chùa tổ chức các khóa tu xuất gia gieo duyên. Theo truyền thống Nam truyền thì Chùa Huyền Không (Tp. Huế, Thừa Thiên - Huế) và Thiền viện Phước Sơn (Biên Hòa, Đồng Nai) là hai ngôi chùa ví dụ điển hình. Người tham dự khóa tu xuất gia gieo duyên theo truyền thống này trong 7 ngày, 10 ngày hay 1 tháng sẽ đắp y như các Sư Nam tông, sử dụng thực phẩm chay hoặc mặn (tam tịnh nhục), tụng kinh bằng tiếng Pali lẫn tiếng Việt, thực tập thiền minh sát Vipassana,... Trong cộng đồng Phật giáo Bắc truyền thì cũng có một số ngôi chùa tổ chức các khóa tu như thế, cũng tạo điều kiện cho cư sĩ được trải nghiệm đời sống của tu sĩ Phật giáo thông qua việc tụng kinh, lạy Phật, hành thiền, nghe pháp thoại,... như Chùa Giác Ngộ đã tổ chức đến nay được 9 khóa. 

Tùy vào pháp môn mà mình yêu thích hay cảm thấy phù hợp mà chúng ta chọn nơi để đi tu thử cho hợp lý. Riêng tại Chùa Giác Ngộ, chủ trương của TT. Thích Nhật Từ và Tăng đoàn khi tiếp nhận người đến xuất gia phải hội tụ đủ 3 tố chất. Thứ nhất, người đi tu phải là người có mục đích lớn, lý tưởng lớn; sẵn sàng từ bỏ mọi cơ hội hưởng thụ dục lạc thế gian, chuyên tâm, quyết chí tu học Phật pháp vì sự giải thoát, giác ngộ. Thứ hai, khi đi tu, người ấy cam kết siêng năng tu học, cả về thế học lẫn Phật học, nhất là phải đạt được trình độ cử nhân Phật học; có như vậy chúng ta mới có đủ kiến thức, kỹ năng để chia sẻ chân lý siêu việt của đức Phật nhằm giúp đỡ, trị liệu khổ đau cho chúng sanh. Điều ba, đó là người xuất gia phải luôn luôn ghi nhớ một điều rằng việc tu học phải song hành cùng lý tưởng phụng sự nhân sinh theo đúng nhu cầu mà họ đang cần, mang lại nhiều giá trị tích cực, hữu ích cho cuộc đời. Do đó, trước khi xuất gia trọn đời, thì người cư sĩ tham dự các khóa tu xuất gia ngắn hạn cần xác định rõ ràng mục đích đi tu của mình là gì để lựa chọn ngôi chùa tu cho phù hợp, lựa chọn vị thầy dẵn dắt tương thích để giúp mình hoàn thành mục đích, lý tưởng cao đẹp đó. 

Sau khi tu thử xong, việc tiếp theo mà hành giả cần phải quyết định đó là tiếp tục tu học trở thành người xuất gia trọn đời hay là về lại lối sống thế tục. Bởi xuất gia là một việc vô cùng quan trọng của đời người. Dù là tu thiệt hay tu thử, việc dẫn dắt, hỗ trợ, hướng dẫn của vị thầy khai sáng cho mình chỉ là sự gợi mở, định hướng mà thôi. Chính bản thân của hành giả phải là người có ý chí kiên cường, tính tự giác, tự lực, tự lập cao, không dễ dàng bỏ cuộc, chùn bước, thì sự xuất gia mới có thể thành tựu được trong thời gian lâu dài. Ngoài ra, khi xuất gia, chúng ta phải học cách chung sống hòa hợp, nhân ái với các thành viên trong Tăng đoàn để cùng sách tấn, hỗ trợ nhau trên bước đường tu học Phật. Khi sinh hoạt trong tập thể những người bạn đồng tu, chúng ta học cách không đề cao bản ngã, cái tôi cá nhân để trở thành người thân thiện hơn, khiêm tốn hơn, cao quý hơn. Không những thế, chúng ta phải luôn luôn giữ chánh niệm trong từng khoảnh khắc, nuôi dưỡng nguồn năng lượng an lành, tích cực nơi tự thân. Và muốn tiến bộ trong đời tu, thì người tu phải tinh tấn, nỗ lực tu học Phật sao cho thật đúng pháp. 

Cuối bài pháp thoại, TT. Thích Nhật Từ đã gợi mở một số vấn đề nhằm giúp cho quý hành giả hiểu rõ hơn về mục đích cao đẹp của việc đi tu, xuất gia đúng nghĩa. Đó là người trước tiên muốn tu sửa bản thân mình trở thành người hiền lương hơn, tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn thông qua việc học hỏi và hành trì những lời Phật dạy. Song song đó, vị ấy phải có tâm phụng sự cao quý, sẵn sàng và hết mình truyền bá chân lý Phật, giúp đỡ chúng sanh cùng được trải nghiệm niềm an lạc, hạnh phúc, chuyển hóa và diệt trừ khổ đau từ giáo lý nhà Phật. Có như thế, việc đi tu mới mang lại những giá trị tích cực, thiết thực và ý nghĩa cho bản thân và tha nhân. 

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Ngộ Đức Phước 

Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị Đi "tu thử" để biết cách "tu thiệt" sao cho có giá trị
Bình luận