CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn!

Tối ngày 03/08/2022, TT. Thích Nhật Từ đã có buổi chia sẻ pháp thoại với đề tài "Hiểu đúng về tháng 7 âm lịch" đến chư Tôn đức Tăng và quý vị Phật tử tại Chùa Hòa Khánh (Bình Thạnh, Tp. HCM).


Thượng tọa cho biết hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều quan niệm chưa đúng đắn về tháng 7 âm lịch gây hoang mang, lo lắng, bất an, sợ hãi cho con người. Đầu tiên, Thượng tọa đã nhấn mạnh rằng tháng 7 âm lịch không phải là tháng cô hồn với việc Diêm Vương mở cửa địa ngục để các hồn ma, quỷ dữ trở lại dương trần nhằm tìm người thế mạng và tạo cơ hội cho bản thân được đầu thai chuyển kiếp. Từ những tà kiến tăm tối, mê tín dị đoan đó, người ta còn phát triển thêm nhiều tư tưởng sai lầm khác như: từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng là giờ ma quỷ xuất hiện; ma quỷ nhập hồn vào quần áo nếu phơi ban đêm; sau 22 giờ là thời gian ăn của ma quỷ; chơi trốn tìm ban đêm sẽ bị ma giấu; ở những nơi có người chết luôn luôn tồn tại vong hồn sẵn sàng chầu chực để được hãm hại người khác nhằm chết thay, thế chỗ cho mình;...

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tri kiến lầm lạc về tiến trình chết và tái sinh của con người. Chẳng hạn như việc các Pharaoh của Ai Cập tin rằng có một cuộc sống vĩnh hằng sau khi chết, cho nên bắt buộc dân chúng xây dựng những Kim tự tháp nguy nga, khổng lồ và chôn sống theo các thê thiếp, tỳ nữ, nô lệ,... để phục vụ cho mình. Hoặc nền văn hóa Trung Hoa lại khởi xướng tập tục đốt vàng mã để người dùng có cái mà sử dụng sau khi xuống âm phủ. Cả hai ví dụ nêu trên cho thấy các niềm tin sai lầm về con người sau khi chết đã biến chúng ta trở thành những kẻ vô nhân đạo và tiêu xài vô cùng hoang phí.

Trong Kinh Mười Điều Thiện, đức Phật dạy rằng chỉ cần thực hiện 5 điều đạo đức Phật dạy thôi là đã đủ điều kiện tái sinh trong các gia đình Phật tử thuần thành; không bị đọa lạc vào các cảnh khổ như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Về việc tái sinh sau khi chết, kinh tạng Nguyên thủy cho rằng con người sẽ chuyển sang kiếp sống mới chỉ trong 1 sát-na. Còn trong tư tưởng Phật giáo Đại thừa, thì sau 49 ngày, con người mới có thể siêu thoát, đầu thai. Nhân đó, TT. Thích Nhật Từ cũng lý giải mục đích chính của việc cúng thất, cúng giỗ tại chùa cho người mất là dịp để thân quyến của họ tham dự các khóa kinh, khóa lễ tại chùa nhằm tưởng niệm người quá cố; giúp vơi đi những nỗi khổ, niềm đau về sự mất mát, nhớ thương; chấp nhận sự vô thường mà vững tin vào một cuộc sống tích cực hơn, lạc quan hơn. Do đó, dù theo hệ tư tưởng Phật giáo nào, sau khi chết, con người cũng đều phải tái sinh sang một đời sống mới. Chứ không thể có chuyện trở thành ma quỷ bị giam cầm ở địa ngục rồi chờ ngày được "ân xá ngắn hạn" trong tháng 7 âm lịch hay trông ngóng người thân đốt vàng mã để tiêu xài ở chốn âm ty được. Đó là những điều mê tín dị đoan; chúng ta cần phải mạnh dạn, dứt khoát bài trừ, bãi bỏ.

Điều hai, đó là những thiếu sót trong quan niệm về ý nghĩa và tầm quan trọng của lễ tự tứ trong đạo Phật. "Tự tứ" có nghĩa là "mời gọi người khác chỉ lỗi cho mình". Đây là truyền thống tu tập đạo đức quan trọng của người xuất gia sau 90 ngày nghiêm túc an cư kiết hạ, thúc liễm thân tâm, vun bồi đức hạnh. Trong dịp này sẽ có hai vị Trưởng lão được thỉnh mời để chứng minh cho buổi lễ. Đầu tiên, hai vị đó sẽ mời người còn lại chỉ lỗi cho mình. Sau đó, hai vị sẽ ngồi vào hai ghế chứng minh; và tuần tự mỗi lượt sẽ có 3 vị xuất gia có giới phẩm tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo ni quỳ trước mỗi vị và tác bạch xin được các ngài chỉ lỗi cho mình. Và việc chỉ lỗi được nêu ra trên ba phương diện là: bản thân vị ấy có tội, vị ấy bị vị khác báo lại tội lỗi và vị ấy bị hoài nghi rằng đã gây ra lầm lỗi. Nếu như bản thân hành giả có tội thì vị ấy sẽ phát lồ sám hối, ăn năn, sửa chữa và cam kết sẽ không tái phạm nữa.

Thượng tọa cho rằng tự tứ là một nét đẹp văn hóa của Phật giáo giúp khích lệ tinh thần cầu học để được hoàn thiện nhân cách bản thân của người xuất gia; mà người Phật tử cũng cần noi theo và áp dụng trong các mối quan hệ xung quanh mình, nhất là trong gia đình, công ty, hội đoàn, tổ chức,... Nếu được như thế, chúng ta sẽ có cơ hội được người khác giúp đỡ bản thân trong việc nhận diện và khắc phục những thiếu sót, yếu kém, sai lầm. Để từ đó, đạo đức, nhân cách và giá trị của mỗi con người chúng ta sẽ được chói sáng hơn, tốt đẹp hơn, thiện lành hơn. Do đó, văn hóa tự tứ không chỉ nên hiểu với phương diện duy nhất là dành cho người xuất gia, mà ngay cả những người tại gia cũng cần phải học tập và thực hành theo.

Điều ba, tháng 7 âm lịch không chỉ đơn thuần là tháng báo hiếu trong đạo Phật. Bởi đây cũng là một sự hiểu lầm vô cùng to lớn. Nó bắt nguồn từ câu chuyện được biên tập thêm trong Phật giáo Đại thừa sau này, kể về câu chuyện đầy cảm động và vô cùng ý nghĩa từ lòng hiếu thảo của Ngài Mục Kiền Liên đối với người mẹ ngạ quỷ của mình. Qua đó, mỗi người con chúng ta phải có trách nhiệm thương yêu, chăm sóc, phụng dưỡng và đáp đền công sanh thành, ơn dưỡng dục đến cả mẹ cha hiện tiền và nhiều mẹ cha khác từ những đời kiếp trong quá khứ. Tuy nhiên, bên cạnh ân cha mẹ, chúng ta còn phải ghi nhớ thêm ba trọng ân khác là ân thầy cô, sư trưởng dạy dỗ, nâng đỡ, truyền trao tri thức, kỹ năng sống cho mình; ân tổ quốc, các anh hùng, các nguyên thủ quốc gia đã bảo vệ quê hương, tạo dựng cuộc sống hòa bình, thịnh thế và cuối cùng là ân chúng sinh, vạn loài dù trực tiếp hay gián tiếp đã hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện sinh sống, tồn tại cho chúng ta.

Thông qua bài pháp thoại, người Phật tử chân chánh cần phải có cái nhìn chánh kiến, khách quan và đa chiều về các sự vật, hiện tượng trong đời sống dưới lăng kính trí tuệ, đạo đức, từ bi của Phật giáo. Có như thế, chúng ta mới có thể tạo dựng được một cuộc sống an vui, hạnh phúc cho bản thân mình và tha nhân.

Tin: Minh Lượng
Ảnh: Thanh Phong

Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn! Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn! Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn! Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn! Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn! Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn! Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn! Tháng 7 âm lịch đâu phải tháng cô hồn!
Bình luận